Đột phá thể chế, kiến tạo tương lai đất nước

1 lượt xem - Đăng vào

Đột phá thể chế, kiến tạo tương lai đất nước

.

Ngày 30-4-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây không chỉ là một nghị quyết đơn thuần, mà là quyết tâm của Đảng trong việc tạo ra bước ngoặt thể chế, mở đường cho sự bứt phá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Suốt nhiều năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hình thành được một khung pháp lý tương đối đồng bộ, minh bạch, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ.

Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Tư duy pháp luật còn nặng về quản lý; có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở đổi mới sáng tạo; phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà; cơ chế phản ứng chính sách còn chậm, chưa bắt nhịp kịp với những biến động nhanh của thực tiễn và xu thế toàn cầu.

Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, nếu Việt Nam không nhanh chóng đổi mới thể chế, sẽ không chỉ bỏ lỡ cơ hội phát triển mà còn đứng trước nguy cơ tụt hậu. Chính trong bối cảnh ấy, Nghị quyết số 66-NQ/TW ra đời với nhiệm vụ đưa thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia, biến pháp luật thành bệ phóng cho sự phát triển.

Điểm nhấn đặc sắc của nghị quyết này nằm ở tư duy tiếp cận mới. Công tác xây dựng và thi hành pháp luật không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà là đột phá chiến lược, mang tầm quyết định cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nghị quyết nhấn mạnh xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn Việt Nam, nhưng đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nhân loại; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm; phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.  Nghị quyết cũng đặt ra những mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, khả thi, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động thông suốt của bộ máy nhà nước, tháo gỡ vướng mắc thực tiễn, huy động mọi nguồn lực phát triển; đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật hiện đại, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Để hiện thực hóa các mục tiêu lớn ấy, nghị quyết đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, hài hòa giữa đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực thực thi và đảm bảo nguồn lực. Trong đó, vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng là nền tảng then chốt, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ; sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là yếu tố lan tỏa, xây dựng niềm tin xã hội. Đồng thời, nghị quyết khẳng định pháp luật phải chuyển từ vai trò quản lý thuần túy sang kiến tạo phát triển, mở đường, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Điểm mới nổi bật là yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, đa dạng hóa truyền thông chính sách, tăng cường đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời vướng mắc thực tiễn. Cùng với đó, nghị quyết coi trọng việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, xử lý tranh chấp, bảo vệ lợi ích quốc gia trên bàn cờ pháp lý toàn cầu; thu hút, trọng dụng nhân tài pháp luật; và đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong soạn thảo, kiểm tra, rà soát, phổ biến pháp luật.

Nghị quyết số 66-NQ/TW ở tầm vóc của nó, là một lời hiệu triệu mang ý nghĩa thời đại. Đó không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, mà là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, của cộng đồng doanh nghiệp, của từng người dân. Đó là lời kêu gọi đồng hành, giám sát, đồng thuận xã hội, để mọi chính sách đi vào cuộc sống, mọi quy định trở thành chuẩn mực ứng xử, để pháp luật không chỉ nằm trên giấy, mà có sức sống mạnh mẽ trong đời sống thường nhật.

Khi được tổ chức thực thi đúng tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW, Việt Nam không chỉ tháo gỡ được những nút thắt thể chế hiện nay, mà còn đặt nền móng vững chắc để bước vào kỷ nguyên phát triển hùng cường, bền vững, hội nhập vững vàng với thế giới.

CHU VĂN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười tám + bảy =