Đưa ẩm thực thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của Đà Nẵng

2 lượt xem - Đăng vào

Đưa ẩm thực thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của Đà Nẵng

.

Tháng 5-2023, UBND thành phố ban hành kế hoạch về “Phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030”. Trên nền tảng ẩm thực hiện có, đề án tạo động lực để phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của Đà Nẵng, tạo sự khác biệt cho điểm đến.

 

Bánh xèo là món ăn được đông đảo du khách trong và ngoài nước muốn trải nghiệm tại Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Hà

Bài 1: Đa dạng ẩm thực

Ẩm thực Đà Nẵng khá đa dạng, từ những món ăn nguyên vị truyền thống địa phương đến những món ăn đặc sắc của các vùng miền cả nước, món ăn Á – Âu với cả 3 phân khúc: bình dân (đường phố), tầm trung (có kết hợp trải nghiệm) và cao cấp. Đó chính là lợi thế lớn để Đà Nẵng trở thành điểm đến văn hóa ẩm thực hấp dẫn trong khu vực và quốc tế.

Du khách nước ngoài khá thích thú với ẩm thực địa phương. TRONG ẢNH: Du khách tìm hiểu chế biến món bánh xèo tại lễ hội ẩm thực Đà Nẵng 2025. Ảnh: NGỌC HÀ

Hiện nay, các món ăn nguyên vị truyền thống địa phương, món ăn đặc sắc các vùng miền cả nước chủ yếu sôi động ở phân khúc bình dân (chợ, khu phố ẩm thực). Theo ghi nhận, khu ẩm thực chợ Cồn, nơi được ví là “thiên đường ẩm thực” của du khách, nhất là khách nội địa luôn đông đúc dịp cuối tuần, hay dịp lễ. Khu ẩm thực nằm ở đình 15A của chợ với hơn 75 hộ kinh doanh, đa số buôn bán lâu đời, truyền qua nhiều thế hệ. Các món ăn ở đây mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, nổi bật là bánh tráng cuốn thịt heo, mỳ Quảng, bún thịt nướng đến các món bánh bèo, bánh nậm, bánh xèo, bánh căn…; các món ăn ngọt như chè, kem, sinh tố…

Ông Phan Thành Thoại, Trưởng ban quản lý chợ Cồn chia sẻ: “Qua khảo sát cho thấy, các món bánh tráng cuốn thịt heo, bánh xèo, sinh tố kem bơ là những món mà du khách ưa chuộng bên cạnh những món truyền thống bún bò, bánh canh, bánh nậm…

Du khách thích hương vị được chế biến mang đặc trưng riêng của địa phương mà một chợ lâu đời như chợ Cồn mới lưu giữ được; hơn nữa, giá cả hợp lý cũng là tiêu chí quan trọng. Trước đây, khách đến chợ Cồn chủ yếu là người dân địa phương, các vùng lân cận nhưng hiện nay khách đến từ khắp vùng miền trên cả nước, nổi bật là giới trẻ trải nghiệm ẩm thực, check-in (đánh dấu điểm đến), review (đánh giá món ăn)…, ngoài ra còn có khách nước ngoài”.

Ngoài chợ Cồn, Đà Nẵng có các khu phố ẩm thực, đa dạng các món ăn đặc sản các vùng miền như: phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, phố ẩm thực Lê Thanh Nghị, tuyến kiệt ẩm thực K23 Trần Kế Xương, phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái, chợ đêm Sơn Trà (quận Sơn Trà), khu ẩm thực đêm Helio (quận Hải Châu).

Đà Nẵng có hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ phong phú, nhiều nhà hàng, quán ăn từ dân dã đến cao cấp, có khả năng phục vụ đa dạng khách hàng. Bên cạnh đó, các nhà hàng hải sản phát huy lợi thế thiên nhiên địa phương; nhiều hàng quán chuyên các món ăn đặc trưng vùng, miền như đặc sản từ các tỉnh lân cận (bánh lọc Huế, cơm gà Hội An, ram thịt Quảng Ngãi), ẩm thực miền Bắc, miền Nam như: cơm tấm, bún quậy Phú Quốc, bún chả Hà Nội, hủ tiếu Nam Vang hoặc món ăn của người Hoa (hủ tiếu, mì xào, xíu mại, há cảo).

Đón đầu thị trường khách quốc tế, nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn du nhập từ các nước có lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đông đảo như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Một số nhà hàng còn đáp ứng nhu cầu ẩm thực một vài thị trường khách đặc trưng như khách theo đạo Hồi tại khu vực châu Á (Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Phillipines), khách Nga, Đông Âu, khách Trung Đông.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hệ thống nhà hàng Halal ngày càng phát triển, tập trung tại khu vực ven biển, trung tâm thành phố và gần các điểm du lịch. Một số nhà hàng nổi bật như: Family Indian Restaurant, Mumtaz Indian Restaurant, Namaste Omar’s Indian, Baba’s Kitchen (Ấn Độ), Golden Mekong (Đông Nam Á); nhiều khách sạn cao cấp bổ sung món ăn Halal, thịt gia cầm và thịt bò được chế biến theo tiêu chuẩn Halal.

Tại Đà Nẵng có một số nhà hàng Nga nổi tiếng như: Lyiv Restaurant (ẩm thực Đông Âu); SkyLine Bistro (ẩm thực Nga – Ukraine); Marina Seafood & Russian Cuisine (phục vụ khách Nga) có thực đơn phù hợp khẩu vị du khách Nga, gồm các món ăn truyền thống như borsch, pelmeni, shashlik, vodka Nga…

Các khu chợ và siêu thị tại Đà Nẵng nhập khẩu nhiều sản phẩm thực phẩm từ Nga và Đông Âu để phục vụ nhóm khách này. Một số nhà hàng chuyên phục vụ ẩm thực Halal, phù hợp với du khách Trung Đông như nhà hàng Halal-friendly trong các khách sạn 5 sao như InterContinental, Sheraton, Hyatt Regency.

Theo ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng không chỉ có những món ăn đặc trưng của miền Trung như mì Quảng, bún mắm nêm, bánh tráng cuốn thịt heo… mà còn là nơi hội tụ của các món Bắc – Nam với phiên bản “Đà Nẵng hóa” – vừa giữ được cốt cách gốc vừa điều chỉnh phù hợp với khẩu vị địa phương và du khách.

Chính sự linh hoạt, sáng tạo này tạo nên hồn cốt ẩm thực Đà Nẵng. Hơn nữa, ẩm thực Đà Nẵng không cầu kỳ về hình thức nhưng lại đậm đà về hương vị và tinh tế trong cách nêm nếm. Từ món ăn đường phố như bánh tráng kẹp, ốc hút, bánh xèo… đến các món ăn cao cấp trong nhà hàng đều mang tinh thần “ngon, giản dị và thật”.

Ẩm thực Đà Nẵng thật sự đặc sắc bởi vì nó không chỉ ngon mà còn có hồn – là sự kết tinh giữa truyền thống và hiện đại, giữa địa phương và hội nhập. Đó chính là lợi thế lớn để Đà Nẵng trở thành điểm đến văn hóa ẩm thực hấp dẫn trong khu vực và quốc tế.

  • Du khách nói gì?
  • * Chị Nguyễn Phúc Duyên (du khách Đà Lạt):
    Món ăn địa phương ngon, giá hợp lý
    Từ những thông tin được giới thiệu trên các trang mạng xã hội, trong chuyến du lịch đến Đà Nẵng, tôi đưa gia đình trải nghiệm ẩm thực tại chợ Cồn. Theo tôi, món ăn tại đây rất ngon, đậm chất địa phương, giá lại rẻ như: bánh tráng cuốn thịt heo, bánh canh, chè… Sau khi thưởng thức ẩm thực, gia đình tôi mua sắm tại các gian hàng trong chợ, hàng hóa phong phú, có nhiều đặc sản địa phương để mua về làm quà. Các thành viên trong gia đình đều hài lòng và sẽ tiếp tục giới thiệu với bạn bè về du lịch Đà Nẵng.
  •  
  • * Bà Court Johnson (du khách Mỹ):
    Đa dạng món ăn
    Tôi ở Đà Nẵng khá dài ngày và ấn tượng với ẩm thực nơi đây. Về ẩm thực địa phương, tôi thích món phở, bánh xèo, hải sản rất tươi ngon; nhiều nhà hàng có các món ăn được chế biến theo kiểu Âu đặc sắc. Tôi cũng tham gia vào lễ hội ẩm thực của địa phương và cho rằng đây là lễ hội thú vị, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm ẩm thực và văn hóa ẩm thực của Đà Nẵng.
  •  
  • * Chị Lê Thúy Vi (du khách Hà Nôi):
    Xu hướng check-in, review ẩm thực
    Ngày nay, xu hướng check-in, review món ăn hoặc địa điểm quán ăn được giới trẻ khá chuộng. Do đó, trước khi đi du lịch Đà Nẵng, tôi và bạn bè lên mạng xã hội tìm kiếm những địa điểm ẩm thực đang “hot”, thường là quán gia truyền, quán lâu đời. Lần này, nhóm tôi chọn trải nghiệm ẩm thực đường phố với các quán bún mắm, nem lụi… Tôi nhận thấy ẩm thực phong phú, dễ dàng tìm kiếm ở mọi khu phố, giá cả hợp lý, các chủ hàng nhiệt tình, không chặt chém. Ngoài ra, tôi khá thích hòa mình vào không khí rộn ràng của khu ẩm thực đêm Helio, rất phù hợp với giới trẻ.
  •  
  • * Anh Nguyễn Minh Hoàng (du khách Thành phố Hồ Chí Minh):
    Ẩm thực mới lạ, độc  đáo
    Khi nghe bạn bè kể về sưu tầm hộ chiếu ẩm thực theo chiến dịch Food Tour của Đà Nẵng tôi bị cuốn hút. Sắp xếp công việc, tôi lên kế hoạch du lịch Đà Nẵng. Nhờ có người quen tại đây, tôi “bắt cóc” đi cùng, chọn tới chọn lui trong 50 cơ sở có hộ chiếu ẩm thực, cuối cùng được gợi ý một số địa điểm đậm chất địa phương như: hải sản, mỳ Quảng, bún chả… Món ngon có thể nơi đâu cũng có nhưng “hộ chiếu ẩm thực” rất mới lạ, độc đáo. 

NGỌC HÀ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

18 + 3 =