EU nới lỏng lệnh trừng phạt Syria

24 lượt xem - Đăng vào

EU nới lỏng lệnh trừng phạt Syria

.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với các lĩnh vực năng lượng, giao thông và ngân hàng của Syria để hỗ trợ công cuộc tái thiết đất nước sau sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong thông báo ngày 24-2, Hội đồng châu Âu cho biết sẽ đình chỉ một loạt lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Syria để giúp quốc gia Trung Đông phục hồi và tái thiết kinh tế sau gần 14 năm xung đột. Theo đó, các quốc gia châu Âu quyết định xóa 5 tổ chức tài chính (Ngân hàng công nghiệp, Ngân hàng tín dụng phổ thông, Ngân hàng tiết kiệm, Ngân hàng hợp tác nông nghiệp và Hãng hàng không Ả Rập Syria) khỏi danh sách các tổ chức phải chịu lệnh đóng băng tiền và nguồn lực kinh tế. Động thái cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính với Ngân hàng trung ương Syria cho mục đích nhân đạo và tái thiết.

EU cũng đình chỉ các biện pháp theo ngành trong các lĩnh vực dầu khí, điện, giao thông vận tải và đưa ra các miễn trừ đối với lệnh cấm quan hệ ngân hàng giữa các ngân hàng Syria và các tổ chức tài chính trong EU để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch vì mục đích nhân đạo và tái thiết, cũng như cho các lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải. “Hội đồng quyết định gia hạn vô thời hạn việc áp dụng ngoại lệ nhân đạo hiện hành; đồng thời, đưa ra ngoại lệ cho lệnh cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Syria để sử dụng cho mục đích cá nhân”, Reuters trích dẫn thông báo của Hội đồng châu Âu.

Tuy nhiên, EU đưa ra cảnh báo quan trọng: “Brussels sẽ tiếp tục công việc của mình và đánh giá xem liệu các lệnh trừng phạt kinh tế tiếp theo có thể được đình chỉ hay không? Nếu mọi thứ không diễn ra đúng như mong đợi, thì chúng tôi cũng sẵn sàng tái áp đặt các lệnh trừng phạt”. Hội đồng châu Âu lưu ý, các lệnh trừng phạt liên quan đến chế độ của ông Bashar al-Assad, lĩnh vực vũ khí hóa học và buôn bán ma túy bất hợp pháp, cũng như một số biện pháp theo ngành, chẳng hạn như buôn bán vũ khí, hàng có mục đích sử dụng kép, và việc nhập khẩu/xuất khẩu các mặt hàng di sản văn hóa của Syria, vẫn được áp dụng”.

Theo Reuters, quyết định trên là một phần trong nỗ lực của EU nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi chính trị toàn diện ở Syria và phục hồi kinh tế, tái thiết, ổn định nhanh chóng của nước này; đồng thời sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại giữa EU và Syria trong thời gian tới. EU đã từng là đối tác thương mại hàng đầu của Syria. Theo thống kê, tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Syria lên tới 376 triệu Euro vào năm 2022. Với thị phần 8,7% khối lượng thương mại của Syria, EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Syria, đứng đầu về nguồn nhập khẩu và đứng thứ ba về điểm đến xuất khẩu các sản phẩm của Syria.

Không khó hiểu khi lĩnh vực năng lượng nằm trong danh sách các lĩnh vực được châu Âu gỡ bỏ cấm vận. Syria có trữ lượng năng lượng đáng kể, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Trước khi xung đột bùng nổ vào năm 2011, ngành dầu khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Syria. Theo số liệu trước chiến tranh, trữ lượng dầu mỏ của Syria ước tính khoảng 2,5 tỷ thùng; trong khi, trữ lượng khí đốt tự nhiên ước tính khoảng 8,5 nghìn tỷ feet khối (Tcf).

Trong khi đó, châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng sau khi “cai” khí đốt từ Nga do liên quan cuộc xung đột ở Ukraine. Châu Âu đang phải tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ bất chấp với giá cao hơn. Do đó, hợp tác với Syria có thể sẽ giúp châu Âu phần nào giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng hiện nay.

Về phía chính quyền chuyển tiếp Syria, động thái của EU có thể được xem là thành công bước đầu trong việc tìm kiếm sự chính danh và tái thiết đất nước sau nhiều năm chìm trong khói đạn xung đột. Thời gian tới, chính quyền Syria cần tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc và xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế, hạ tầng và hệ thống chính trị để tạo dựng niềm tin trong dân chúng và quốc tế.

HÙNG LÂM

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 + chín =