Giá dầu giảm khi OPEC+ tăng sản lượng
Giá dầu thế giới sụt giảm mạnh sau khi OPEC+ (Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác) bất ngờ đẩy nhanh việc tăng sản lượng, làm dấy lên lo ngại về dư nguồn cung sắp tới trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.
![]() |
OPEC+tuyên bố tiếp tục đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu. Ảnh minh họa: Nairametrics |
OPEC+ thông báo sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng 6-2025, nâng tổng mức tăng trong quý 2-2025 lên gần 1 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 44% lượng cắt giảm tự nguyện trước đó.
Động cơ chiến lược
Ngay sau thông báo nói trên giá dầu thế giới chứng kiến mức giảm nhanh chóng. Theo Reuters, tính đến ngày 5-5, giá dầu tại châu Á giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu ngày. Tại Mỹ, giá dầu WTI cũng giảm gần 5%, xuống còn 55,53 USD/thùng, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 11-2021. Giá dầu Brent giảm hơn 4%, xuống còn khoảng 58,5 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021.
OPEC+ lý giải quyết định tăng sản lượng dựa trên các yếu tố cơ bản “khỏe mạnh” của thị trường và mức tồn kho dầu thấp. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô chỉ thấp hơn mức trung bình 5 năm khoảng 2,5% vào tháng 2-2025, không đủ để biện minh cho việc tăng sản lượng mạnh mẽ. Do đó, giới chuyên gia quốc tế chỉ ra các động cơ chính dẫn đến quyết định bất ngờ này.
Trước hết là tầm nhìn khôi phục thị phần trước sự cạnh tranh từ bên ngoài. Sự gia tăng sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC+, như Mỹ, Brazil và Guyana, đã làm giảm thị phần của OPEC+ trên thị trường toàn cầu. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), thị phần của OPEC+ dự kiến giảm xuống 46% vào năm 2025, so với 53% vào năm 2016. Việc tăng sản lượng là nỗ lực nhằm giành lại thị phần đã mất và duy trì ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ.
Tiếp đến, việc tăng sản lượng chung có thể được xem như biện pháp để khuyến khích các thành viên tuân thủ hạn ngạch, đồng thời duy trì sự đoàn kết và hiệu quả của liên minh. Nguồn tin từ OPEC+ tiết lộ, từ nay đến hết tháng 10-2025, liên minh này có thể phục hồi hoàn toàn phần sản lượng đã cắt giảm tự nguyện nếu các thành viên không tuân thủ đầy đủ mức hạn ngạch sản lượng được phân bổ.
Bên cạnh đó, nhà phân tích Jorge Leon từ Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho rằng quyết định của OPEC+ phát thông điệp rõ ràng rằng nhóm này đang thay đổi chiến lược để tạo cơ hội xây dựng mối quan hệ chiến lược với Mỹ. Thực tế, ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 1-2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng để kéo giá dầu xuống nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và người tiêu dùng trong nước.
Triển vọng giá dầu sắp tới
Quyết định của OPEC+ càng gia tăng áp lực giảm giá dầu bởi năm nay, giá dầu đã giảm hơn 20% trong 3 tháng qua do khả năng nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu tăng trưởng chậm lại vì căng thẳng thuế quan Mỹ – Trung Quốc có thể gây suy thoái kinh tế.
“Việc OPEC+ vào ngày 3-5 đưa ra quyết định tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6-2025 làm gia tăng kỳ vọng của thị trường rằng tương quan cung cầu dầu toàn cầu sẽ dịch chuyển theo chiều hướng dư thừa dầu”, chuyên gia Tim Evans, nhà sáng lập của trang Evans on Energy nhận định với Reuters. Nếu tình trạng dư cung kéo dài, giá dầu có thể tiếp tục giảm. Ngân hàng Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent cho năm 2025 xuống còn 66 USD/thùng, giảm 4 USD so với dự báo trước đó và dự báo giá năm 2026 là 60 USD/thùng. Ngân hàng này cũng nâng dự báo nguồn cung của OPEC+ thêm 390.000 thùng/ngày cho năm 2025 và 230.000 thùng/ngày cho năm 2026, theo Channel News Asia.
Các nhà phân tích cảnh báo khả năng giá dầu có thể tiếp tục giảm sẽ gây áp lực lên ngân sách của các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu. Các công ty dịch vụ mỏ dầu như Baker Hughes và SLB dự báo đầu tư vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí sẽ giảm trong năm nay do xu hướng giảm của giá dầu, theo CNBC. Trước đó, Brazil Energy Insight dẫn nhận định của Giám đốc điều hành Baker Hughes Lorenzo Simonelli cho biết, triển vọng thị trường dầu dư cung, thuế quan tăng, bất ổn ở Mexico và hoạt động sản xuất dầu mỏ giảm ở Saudi Arabia đang cùng nhau kìm hãm mức chi tiêu cho hoạt động dầu khí thượng nguồn trên phạm vi toàn cầu.
Việc OPEC+ tăng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu yếu đã tạo cú sốc mới cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong bối cảnh bất định hiện nay, sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ, cùng với chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, sẽ là chìa khóa để ổn định thị trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
THƯ LÊ
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Việt Nam – Campuchia: Chờ màn trình diễn thuyết phục
- Vụ “né ổ gà, gặp ổ trâu” ở Đà Nẵng: Lập tức khắc phục
- Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên
- Tổng Bí thư: Sáp nhập tỉnh không phải ‘2 cộng 2 bằng 4’ mà ‘2 cộng 2 lớn hơn 4’
- Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng dự ngày hội toàn dân chào mừng 50 năm ngày quê hương giải phóng