Góp những mùa hoa

1 lượt xem - Đăng vào
Vạt hoa cánh bướm tạo nên cảnh sắc thơ mộng tại Tuấn Lê Glamping. Ảnh: T.Y

DU LỊCH QUA NHỮNG SẮC HOA

Góp những mùa hoa

.

Dưới bàn tay chăm chút của người làm du lịch nông nghiệp, những thửa đất vốn trồng rau, nuôi cá giờ trở thành không gian trải nghiệm xanh. Ở đó, từng luống hoa hướng dương, thạch thảo, cúc họa mi, cánh bướm, tam giác mạch… thi nhau khoe sắc, tựa như lời mời gọi khách dừng chân.

Vạt hoa cánh bướm tạo nên cảnh sắc thơ mộng tại Tuấn Lê Glamping. Ảnh: T.Y
Vạt hoa cánh bướm tạo nên cảnh sắc thơ mộng tại Tuấn Lê Glamping. Ảnh: T.Y

Mỗi mùa, một sắc hoa

Tại Tuấn Lê Glamping (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), những vạt hoa cánh bướm rực rỡ được quy hoạch thành luống, xen kẽ lối đi nhỏ và tiểu cảnh tạo hình nhằm phục vụ nhu cầu chụp ảnh, quay video của khách. Mỗi mùa, farm chọn trồng một loại hoa chủ đạo, thay đổi màu sắc và bố cục tạo sự tươi mới. “Dịp cuối tuần, đặc biệt khi mùa hoa nở rộ, chúng tôi đón vài trăm lượt khách mỗi ngày. Nhiều bạn trẻ đến chỉ để đứng cạnh vườn hoa chụp hình, đọc sách, thưởng trà hay đơn giản là tận hưởng không khí trong lành”, anh Lê Văn Tuấn, chủ đầu tư khu du lịch Tuấn Lê Glamping chia sẻ.

Để duy trì sức hút, anh Tuấn liên tục làm mới không gian, kết hợp các hoạt động trải nghiệm như cắm trại, hái rau, thưởng thức ẩm thực bản địa. Chọn giống hoa phải dựa vào khí hậu, đất đai và thị hiếu khách hàng. Ví dụ, hoa cánh bướm dễ trồng thành vạt lớn, màu sắc rực rỡ, phù hợp phối cùng tiểu cảnh mộc mạc như xe đạp cũ, xích đu gỗ hay lều vải nhỏ. Vào mùa thu, farm sẽ trồng thạch thảo tím, cúc họa mi trắng, những loài hoa gợi nhắc Hà Nội và được nhiều bạn trẻ yêu thích nhờ vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết.

Ngoài nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, đội ngũ làm vườn tại Tuấn Lê Glamping dành thời gian tìm hiểu quy luật mùa vụ của từng loại hoa. Anh Tuấn cho biết, duy trì các vạt hoa không dễ, bởi ngoài thời tiết khắc nghiệt, vườn hoa thường đối mặt với vấn đề sâu bệnh, thổ nhưỡng. Chưa kể một số loài hoa dễ bị nấm mốc, côn trùng phá hoại nếu không được chăm sóc đúng cách. Vì thế, anh dành thời gian theo dõi, sử dụng các biện pháp sinh học xử lý nhằm bảo đảm hoa không chỉ đẹp mà còn an toàn cho môi trường và sức khỏe du khách. “Chúng tôi lên kế hoạch trồng hoa từ rất sớm và thường trồng gối đầu, vạt hoa này tàn thì đã có vạt khác thay thế. Chẳng hạn, vào mùa thu, thạch thảo và cúc họa mi cần phải gieo trồng trước ít nhất 2-3 tháng để hoa kịp nở. Nếu không tính toán cẩn thận, mùa hoa sẽ trôi qua nhanh chóng, khiến khách đến không có hoa để chiêm ngưỡng”, anh Tuấn chia sẻ.

Mở rộng nhiều địa chỉ

Tại những khu vực ven đô như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh…, phong trào làm du lịch nông nghiệp gắn với sắc hoa ngày càng được người dân hưởng ứng. Tận dụng lợi thế đất rộng, khí hậu trong lành, nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ canh tác thuần nông sang kết hợp trồng hoa, khai thác dịch vụ trải nghiệm.

Từ quận Sơn Trà, chị Phan Thiên Lý đều đặn tuần vài lần lái xe đi thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) chăm sóc Haly Farm. Vài năm trước, gia đình chị mua lại vạt đồi rộng khoảng 7.000m2 của người dân địa phương làm nơi trồng trọt, nghỉ dưỡng. Ban đầu là những luống hoa trồng chơi để tạo không gian đẹp quanh nhà, dần dà, chị nhận ra nhiều người đi ngang đều dừng lại xin chụp ảnh. Từ những phản hồi dễ thương đó, chị Lý quyết định cải tạo lại toàn bộ khu đồi theo hướng sinh thái và trồng thêm cúc bách nhật, thạch thảo, cánh bướm, tam giác mạch, hướng dương.

Bên cạnh việc bỏ khá nhiều kinh phí thuê người thu gom đá sỏi, rễ cây, đổ giá thể cải tạo đất, Lý cho biết cô từng nhiều lần đứng giữa vườn cây chưa kịp bén rễ mà lòng chùng xuống. Có hôm vừa đổ đất, gieo hạt xong thì cơn mưa ào xuống đồi cuốn trôi cả đất, cả giống. Lại lầm lũi xúc đất, rải giá thể, gieo lại từ đầu. Nhiều lúc tưởng như công sức đổ sông, đổ biển. Lần đầu tiên thử sức trồng hoa trên diện tích lớn, Lý như bước vào một hành trình mạo hiểm. Vừa học cách trồng, chăm cây giữa vùng đất đồi nghèo dinh dưỡng, chị vừa tập làm quen với những cơn mưa, gió lốc miền núi. Nhưng như chị nói, chính sự khắc nghiệt ấy đã rèn cho chị sự kiên trì. Sau thời gian đầu chật vật, vạt đồi bắt đầu khoác lên mình sắc áo mới, từ màu tím mỏng manh của thạch thảo, màu vàng rực rỡ của hướng dương đến hồng phấn dịu dàng của hoa cánh bướm. Nhiều loại cây khó trồng như tam giác mạch sau nhiều lần thất bại cũng đã bén rễ, nở hoa dưới bàn tay kiên nhẫn. Mỗi khi có đoàn khách đến, chị Lý là người dẫn họ đi dạo qua từng luống hoa và vui vẻ chia sẻ những câu chuyện mùa vụ.

Điều ý nghĩa hơn cả là những mùa hoa được tạo nên bằng sự cần mẫn không đơn thuần vì mục đích kinh tế. Từ chỗ làm nông để sống, nay người dân đã làm nông để kết nối với du khách, thiên nhiên và với chính ký ức của mình. Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, nếu được hỗ trợ quy hoạch, kỹ thuật và truyền thông, các mùa hoa ở vùng ven Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm đặc trưng, góp phần định hình thương hiệu du lịch sinh thái tại địa phương. Đó là hướng đi bền vững về môi trường, kinh tế, và cũng là cách tạo nên những cảnh sắc tươi đẹp cho vùng đất này. Có thể nói, cùng với sự chăm chút của những con người giàu tâm huyết, các điểm du lịch sinh thái ven Đà Nẵng dần trở thành không gian chữa lành đúng nghĩa. Đến đây, du khách được khơi dậy cảm xúc khi hòa mình vào thiên nhiên hay sống giữa hương thơm cây cỏ. Theo chị Lý, yếu tố để giữ chân khách không nằm ở số lượng loài hoa, mà ở sự chỉn chu và khả năng sáng tạo trong việc kể câu chuyện từ nó. “Chúng tôi đang tính toán đưa thêm những loài hoa bản địa vào khu trải nghiệm để tạo không gian giàu truyền thống trong hành trình khám phá của du khách. Riêng tôi, trồng hoa còn là cách để bản thân kết nối với thiên nhiên, con người. Khách đến đây, ai cũng mang theo một câu chuyện. Và hoa, đôi khi là cái cớ để bắt đầu một cuộc trò chuyện giữa những người xa lạ”, chị Lý nói.

Từ những thửa đất cằn cỗi, Đà Nẵng đang từng bước tạo dựng không gian du lịch nông nghiệp đặc trưng, nơi thiên nhiên và trải nghiệm làm nên sức hút riêng. Đặc biệt, với hơn 60 mô hình thí điểm du lịch kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp đã đăng ký tại huyện Hòa Vang, điều người dân hướng đến là một hành trình dài hơi, khi mỗi luống hoa đều nằm trong quy hoạch tổng thể, gắn với lưu trú, ẩm thực và trải nghiệm văn hóa địa phương.

Điều ý nghĩa hơn cả là những mùa hoa được tạo nên bằng sự cần mẫn không đơn thuần vì mục đích kinh tế. Từ chỗ làm nông để sống, nay người dân đã làm nông để kết nối với du khách, thiên nhiên và với chính ký ức của mình. Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, nếu được hỗ trợ quy hoạch, kỹ thuật và truyền thông, các mùa hoa ở vùng ven Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm đặc trưng, góp phần định hình thương hiệu du lịch sinh thái tại địa phương. Đó là hướng đi bền vững về môi trường, kinh tế, và cũng là cách tạo nên những cảnh sắc tươi đẹp cho vùng đất này.

TIỂU YẾN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười lăm − 11 =