Hương vị Tết quê giữa phố

48 lượt xem - Đăng vào
Quầy hàng bánh quê của cô Nguyễn Thị Truyền ở chợ Hàn luôn được nhiều du khách ưa thích. Ảnh:KIM ANH

Hương vị Tết quê giữa phố

.

Cuối năm, các chợ truyền thống ở trung tâm thành phố trở nên rộn ràng, nhộn nhịp với những sạp bánh kẹo Tết đa dạng mẫu mã. Giữa không gian tràn ngập các loại hàng hóa hiện đại, những gánh hàng bày bán các loại bánh quê mộc mạc của các cô, các bà từ quê ra vẫn giữ được sức hút riêng. Với nhiều người, đó không chỉ là món quà quen thuộc mà còn là cách để níu giữ những ký ức về hương vị Tết xưa.

Quầy hàng bánh quê của cô Nguyễn Thị Truyền ở chợ Hàn luôn được nhiều du khách ưa thích. Ảnh:KIM ANH
Quầy hàng bánh quê của cô Nguyễn Thị Truyền ở chợ Hàn luôn được nhiều du khách ưa thích. Ảnh:KIM ANH

Giữa tiết trời se lạnh, quầy hàng của cô Nguyễn Thị Truyền (đường Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu) nằm ở góc chợ Hàn bày bán các loại bánh đặc trưng của quê hương xứ Quảng như: bánh tổ, bánh ít lá gai, bánh chưng, bánh tét, xôi đường, xu xuê… lại mang một nét đẹp bình dị riêng, thu hút những người qua đường. Đây là các loại bánh phổ biến trong dịp Tết, được người dân thành thị mua về thưởng thức hoặc bày lên bàn thờ cúng gia tiên như lưu giữ nét văn hóa truyền thống của quê hương nơi phố thị.

“Loại bánh được ưa chuộng nhất ở đây là bánh ít lá gai, bởi lớp vỏ bánh dẻo dai, thơm mùi lá chuối hòa cùng nhân đậu xanh béo bùi ở bên trong. Không chỉ khách đi chợ ưa thích, mà nhiều nhà hàng, khách sạn cũng đặt hàng vào dịp Tết”, cô Truyền chia sẻ.

So với hương vị bánh ngày xưa, để đáp ứng khẩu vị kiêng đường của người thành thị, ngày nay những chiếc bánh quê cũng được làm vừa ăn và bớt ngọt hơn. Không cầu kỳ về hình thức, những chiếc bánh ít, bánh xu xuê nằm gọn lỏn trong mớ lá chuối với đủ loại hình dạng vuông, tròn lại là thứ quà khó tìm của nhiều người, bởi mỗi chợ chỉ có vài ba hàng bán các loại bánh quê này.

Là người thích ăn bánh quê được làm bằng phương pháp thủ công truyền thống, bà Lê Thị Bé (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) chia sẻ: “Bánh tổ là loại bánh mà Tết năm nào nhà tôi cũng mua, loại bánh này ngày thường hiếm thấy ai bán nên chỉ có những dịp cuối năm mới được ăn. Bánh này ngọt nhiều, bọn trẻ thời này không chuộng nhưng có nó thì mới thật sự thấy không khí Tết. Để chiên bánh ngon, khi chiên cần cắt lát và gói bên ngoài lớp bánh tráng mỏng sẽ giúp bánh không dính, vừa làm lớp vỏ bên ngoài giòn, ngon hơn”, bà Bé bộc bạch.

Tại ngã tư đường Mai Dị – Hóa Quê Trung 3, sạp hàng của bà Nguyễn Thị Chiếc (chợ Hòa Cường, quận Hải Châu) lúc nào cũng rộn rã khách hàng tới lui. Những chiếc bánh da lợn, bánh ít, bánh ú cho đến các loại bánh Tết như bánh đậu xanh nướng nhân thịt, bánh chưng, bánh tét được bà Chiếc mang từ xã Cẩm Kim, thành phố Hội An (Quảng Nam) ra đều giữ trọn hương vị quê nhà.

Dù chỉ là một sạp hàng nhỏ nhưng quầy hàng của bà Chiếc trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều khách hàng sống gần đây vào những ngày cuối năm. Họ tìm đến không chỉ vì chất lượng tươi ngon mà còn vì cảm giác gần gũi, mộc mạc từ những món hàng mang đậm hồn quê. “Mỗi ngày tôi thức dậy từ lúc 2 giờ sáng để lấy bánh từ nhiều nơi khác nhau trong phố cổ rồi mang ra Đà Nẵng bán lại. Dù công việc vất vả nhưng những món hàng từ quê ra phố luôn được nhiều người đón nhận, đặc biệt là những chiếc bánh truyền thống mang hương vị đậm đà xứ Quảng”, bà Chiếc chia sẻ.

Cũng như bao người trẻ tha thiết với nghề làm bánh truyền thống, chị Nguyễn Thị Thanh Nhung, chủ cơ sở sản xuất bánh đậu xanh nướng Phi Thiên Đà Nẵng (quận Cẩm Lệ) vẫn đang tiếp tục duy trì ngọn lửa nghề từ gia đình chồng. “Trước đây, gia đình chồng tôi làm nghề bánh đậu xanh nướng thủ công, chủ yếu bỏ mối cho mọi người xung quanh, không làm theo thị trường và cũng chẳng theo một quy chuẩn nhất định nào. Vì niềm yêu thích và mong muốn duy trì cái nghề gia truyền mà cha ông để lại, tôi vẫn muốn tiếp tục gắn bó, duy trì làm bánh trong suốt 4 năm nay”, chị Nhung nói.

Theo chị Nhung, đối với nghề làm bánh truyền thống, điều khó khăn nhất trong việc duy trì có lẽ là sự cạnh tranh mẫu mã với những loại bánh kẹo ngoại nhập hiện đại. Tuy nhiên, không vì vậy mà những chiếc bánh quê thôi phát triển. Sở thích và khẩu vị của mọi người luôn thay đổi theo thời gian, do đó chúng tôi luôn đổi mới mẫu mã và chất lượng bánh để phù hợp với nhu cầu khách hàng. Hiện tại bánh đậu xanh Phi Thiên là loại bánh ít ngọt nhất trên thị trường. Các nguyên liệu như đậu xanh, thịt heo đều được tuyển chọn và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Mặc dù ngày nay, những chiếc bánh truyền thống đang ngày càng mai một dần nhưng câu chuyện của cô Truyền, bà Chiếc và chị Nhung là minh chứng cho sức sống bền bỉ của các loại bánh quê qua bao thời gian thăng trầm. Trước sự cạnh tranh của các loại bánh công nghiệp hiện đại, hương vị bánh truyền thống mộc mạc ấy vẫn giữ được chỗ đứng riêng mỗi dịp Tết đến Xuân về.

ĐOÀN LƯƠNG – KIM ANH

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

hai mươi + mười lăm =