Israel mở rộng hoạt động quân sự tại Gaza
Sau nhiều tháng giao tranh với lực lượng vũ trang Hamas tại dải Gaza, quân đội Israel công bố bước đi mang tính chiến lược và đầy tranh cãi: mở rộng hoạt động quân sự tại Gaza, vùng đất vốn đã chìm trong khủng hoảng nhân đạo suốt nhiều năm qua.
Theo The Wall Street Journal, ngày 4-5, nội các an ninh Israel với đa số ủng hộ phê duyệt kế hoạch quân sự mới nhằm mở rộng hoạt động quân sự tại Gaza, gồm các cuộc tấn công mạnh mẽ vào Hamas, giữ quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ, kiểm soát việc phân phối viện trợ nhân đạo và di chuyển dân số Gaza về phía nam. Trong tuyên bố trên mạng xã hội trước cuộc họp nội các an ninh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đây là giai đoạn tiếp theo của xung đột ở Gaza. Quân đội Israel sẽ duy trì hiện diện tại các khu vực đã chiếm được, khác với các chiến dịch trước đây khi lực lượng rút lui sau các cuộc tấn công ban đầu.
Theo các nguồn tin, ông Netanyahu cũng đang thúc đẩy đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc di dời tự nguyện người dân Gaza đến các nước láng giềng như Jordan hoặc Ai Cập. Như vậy, kế hoạch này của Israel cũng bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ việc phân phối viện trợ nhân đạo vào Gaza, với mục tiêu ngăn chặn việc các nguồn lực này rơi vào tay Hamas. Việc phân phối viện trợ sẽ được thực hiện thông qua các trung tâm do Israel kiểm soát, với sự hỗ trợ của các nhà thầu tư nhân Mỹ, một động thái đã bị các tổ chức nhân đạo chỉ trích vì làm suy yếu tính trung lập và an toàn của dân thường.
Israel khẳng định viện trợ nhân đạo sẽ chỉ được chuyển giao qua các kênh đã được kiểm soát chặt chẽ, có sự giám sát quốc tế và chỉ tới tay dân thường, không thông qua các tổ chức có liên hệ với Hamas. Ngoài ra, kế hoạch còn bao gồm việc di dời phần lớn dân cư Palestine về phía nam Gaza, khu vực mà Israel tuyên bố đã được “làm sạch” khỏi các phần tử Hamas.
Một nguồn tin Chính phủ Israel nói với Times of Israel Sunday rằng nước này không hy vọng Hamas sẽ chấp nhận đề xuất về một thỏa thuận ngừng bắn thả con tin mà không tăng cường đáng kể áp lực quân sự. Vì thế Israel đang tập trung nhiều hơn vào mục tiêu loại các tay súng Hamas khỏi vòng chiến đấu và ít tập trung hơn vào mục tiêu thả con tin, như một phần của chiến dịch gây áp lực đó. Đến nay, quân đội Israel đã kiểm soát khoảng 40% Gaza kể từ khi nối lại chiến dịch quân sự vào ngày 18-3, trong khi Hamas gần như không kháng cự, ngoại trừ một số cuộc phục kích nhằm vào binh lính Israel.
Tuyên bố nói trên đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Israel, chuyển từ các cuộc tấn công tạm thời sang một chiến lược chiếm đóng lâu dài. Tuy nhiên kế hoạch này của Israel đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc, Anh và Liên minh châu Âu, do lo ngại về tình trạng nhân đạo ngày càng tồi tệ và vi phạm các nguyên tắc nhân đạo quốc tế.
Đáng chú ý, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 5-5 cho biết, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres báo động trước kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự ở Gaza và tìm cách chiếm giữ lãnh thổ này của Israel. Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng việc kiểm soát quá mức viện trợ sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, nơi hơn 2 triệu người dân đang sống trong điều kiện thiếu thốn nghiêm trọng về điện, nước sạch, y tế và thực phẩm. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cảnh báo: “Bệnh viện không thể hoạt động nếu nhiên liệu không được cấp phép vào và bệnh nhân sẽ là những người chết đầu tiên”.
Hamas cũng lên tiếng phản đối việc biến viện trợ thành công cụ chính trị và ủng hộ lập trường quốc tế, trong đó phản đối bất kỳ thỏa thuận nào không tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo. Câu hỏi đặt ra là: liệu có giải pháp nào vừa bảo đảm được an ninh cho Israel, vừa bảo vệ được quyền sống tối thiểu cho người dân Gaza? Câu trả lời không đơn giản. Nhưng chắc chắn, chỉ có giải pháp chính trị toàn diện, hòa bình lâu dài, mới có thể tháo gỡ nút thắt đau đớn này.
LÊ MINH HÙNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Khi hoa nở rộ trong nghệ thuật đương đại
- Kịch tính cùng trò chơi nhập vai
- Bảo đảm bộ máy nhà nước đi vào hoạt động thông suốt sau khi thực hiện sắp xếp
- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực – Bài 2: Đấu tranh không khoan nhượng
- Hỗ trợ hội viên phụ nữ khẳng định quyền năng kinh tế trong thời kỳ kỷ nguyên số