Khi nghị lực viết nên ‘kỳ tích’
ĐNO – Giữa lòng thành phố Đà Nẵng, nhiều người khuyết tật vẫn miệt mài nỗ lực lao động từng ngày. Không chỉ tự chủ về kinh tế, họ còn tạo dựng việc làm, giúp nhiều người khác ổn định cuộc sống cũng như viết nên câu chuyện truyền cảm hứng sinh động về ý chí và khát vọng vươn lên.
“Chỉ cần không bỏ cuộc, sẽ có cách để đi tiếp”
Giữa những con phố tấp nập, có một quán cà phê nhỏ nhưng luôn ấm áp tình người. Đó là nơi chị Nguyễn Thị Hải Giang (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) gửi gắm không chỉ niềm đam mê mà còn cả câu chuyện về nghị lực sống, về hành trình vươn lên từ những thử thách mà số phận đặt ra.
![]() |
Gia đình luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp chị Giang kiên cường vượt qua những khó khăn do khiếm khuyết gây ra. Ảnh: ANH THẢO |
Chưa tròn hai tuổi, chị Giang trải qua cơn sốt bại liệt quái ác khiến đôi chân nhỏ bé không thể di chuyển. Sau quá trình kiên trì chữa trị, chị cũng có thể đi lại, dẫu không thể bình thường như những đứa trẻ khác. Chị cắp sách đến trường, cặm cụi bên từng trang sách với khát khao được học tập, được tự lập.
Tốt nghiệp phổ thông, chị học trung cấp dược và tin học, với hy vọng có thể tìm được một công việc ổn định. Những ngày đầu ra trường, đi xin việc tại bệnh viện, công ty dược nhưng lần nào cũng nhận lại những lời từ chối khéo: “Chờ đợt tuyển sau nhé em!” Những lời hẹn ấy cứ thế kéo dài, dần trở thành câu nói quen thuộc mà chị buộc lòng phải chấp nhận.
Sau khi được Hội Người khuyết tật thành phố giúp đỡ, hỗ trợ để chị có một cơ hội mới, là công việc lễ tân tại một công ty quảng cáo. Rồi chị lập gia đình, sinh con, tạm gác lại công việc để chăm sóc mái ấm nhỏ. Khi sinh bé thứ hai, chị Giang quyết định bắt đầu một hành trình mới là mở một quán cà phê.
Ban đầu, gia đình phản đối, lo chị sẽ vất vả, không đủ sức để xoay xở. Nhưng chị đã quen với những thử thách, quen với việc phải nỗ lực nhiều hơn người khác. Và lần này cũng vậy, chị kiên trì thuyết phục, kiên trì chứng minh rằng mình làm được.
“Vậy là quán cà phê nhỏ ra đời, không phải là một mô hình hoành tráng, nhưng đó là nơi tôi đặt vào tất cả tâm huyết. Tôi vừa chăm con, vừa pha những ly cà phê bằng tất cả tình yêu và sự trân trọng dành cho cuộc sống. Điều quan trọng mà tôi nhận ra, đó là chỉ cần không bỏ cuộc, sẽ có cách để đi tiếp”, chị Nguyễn Thị Hải Giang bộc bạch.
Khuyết cơ thể, nhưng không khuyết ý chí
Cũng như chị Giang, tuổi thơ của anh Phạm Bá Quyền (SN 1989, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đáng lẽ trôi qua bình yên như bao đứa trẻ khác nếu như không có biến cố xảy ra năm hai tuổi. Sau một tai nạn xe nghiêm trọng, anh may mắn thoát khỏi “cửa tử”, nhưng hậu quả là phải sống với chỉ 61% sức khỏe và khả năng khuyết tật cơ chân trái vĩnh viễn.
Anh Quyền kể lại, để kịp giờ vào lớp, anh phải bắt đầu đi từ lúc 5 giờ sáng, vắt đôi dép lên ghi-đông xe đạp, rồi cứ thế miệt mài đạp qua từng con đường đều đặn suốt những năm tháng trên ghế nhà trường. Quá trình học tập của anh Quyền không vì nghịch cảnh mà dang dở. Sau khi hoàn thành chương trình học cấp 3, rồi học liên thông lên cao đẳng – đại học, thử qua nhiều lĩnh vực từ công nghệ thông tin cho đến sửa chữa phần mềm.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm trở ngại vì sức khỏe khiến anh khó xin được việc, anh Quyền quyết tâm nối nghiệp tiệm sửa xe máy của gia đình để chăm lo cho em ăn học. Năm 2009, ba anh bị bệnh ung thư qua đời, một mình anh đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền, vừa lo cho mẹ vừa lo cho em trai học đại học chỉ dựa vào thu nhập từ tiệm sửa xe máy được ba để lại.
![]() |
Với đặc thù công việc cùng tinh thần sống “tàn nhưng không phế”, anh Quyền luôn nỗ lực học hỏi mỗi ngày, cập nhật kiến thức mới để nâng cao tay nghề trong công việc sửa chữa xe máy. Ảnh: THU HƯƠNG |
Những năm tháng trưởng thành đầy vất vả đã “tôi luyện” cho anh một tinh thần kiên cường. Hơn 15 năm nay, bằng sự chăm chỉ, nỗ lực làm việc và tích góp từng ngày, tiệm sửa chữa xe máy của anh Phạm Bá Quyền trên đường Nguyễn Văn Cừ đã mở rộng với quy mô diện tích gần 600m2. Không chỉ ổn định được cuộc sống, bản thân anh còn tạo công ăn việc làm cho những ai mong muốn đến học nghề sửa chữa xe máy.
Anh Phạm Bá Quyền là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần “tàn nhưng không phế”. Liên tục từ năm 2010 đến năm 2024, anh Quyền đều tham gia và cùng đồng đội “gặt hái” được nhiều thành tích đáng nể tại Giải thể thao dành cho Người khuyết tật toàn quốc. Anh Quyền cho biết, anh đang ấp ủ kế hoạch mở rộng tiệm sửa xe máy. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc sửa chữa xe máy thông thường mà còn hướng đến việc sản xuất xe máy ba bánh dành riêng cho người khuyết tật trên địa bàn..
Bà Đặng Hương Giang, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng thông tin, trong thời gian qua, hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều chương trình hoạt động thiết thực nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cho người khuyết tật. Cụ thể như kết nối, giới thiệu việc làm; tư vấn, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.
Thời gian đến, Hội Người khuyết tật thành phố tiếp tục duy trì, tăng cường các hoạt động chăm lo và hỗ trợ toàn diện cho người khuyết tật. Qua đó góp phần cải thiện đời sống kinh tế, tinh thần của người khuyết tật cũng như hướng đến một xã hội không ai bị bỏ lại phía sau.
ANH THẢO – THU HƯƠNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng