Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

12 lượt xem - Đăng vào
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêc cực được các cấp, ngành, địa phương chú trọng, góp phần vào công tác phòng ngừa chung. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận  “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố nỗ lực phục vụ nhân dân. Ảnh: NGỌC PHÚ

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong thời gian qua đã trở thành phong trào hành động rộng khắp, lan tỏa từ Trung ương đến từng địa phương, cơ sở, tạo làn sóng ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước. Tại thành phố Đà Nẵng, công tác này được triển khai đồng bộ, bài bản, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, cải cách hành chính và thực thi công vụ, mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêc cực được các cấp, ngành, địa phương chú trọng, góp phần vào công tác phòng ngừa chung. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận  “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố nỗ lực phục vụ nhân dân. Ảnh: NGỌC PHÚ
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được các cấp, ngành, địa phương chú trọng, góp phần vào công tác phòng ngừa chung. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố nỗ lực phục vụ nhân dân. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bài 1: Triển khai quyết liệt các giải pháp

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được cấp ủy các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Trọng tâm là chủ động phòng ngừa từ gốc, kiểm soát chặt quyền lực, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước. Đây được xem là nền tảng để xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, trong sạch, vì dân.

Phòng ngừa từ sớm, từ xa

Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Mai Thị Ánh Hồng cho biết, Quận ủy thường xuyên quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, tuyển dụng bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, mua sắm tài sản công.

Từ năm 2021 đến nay, Quận ủy tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên là cấp ủy viên các cấp về việc quán triệt, tuyên truyền và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 05-CT/TU của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Qua kiểm tra, giám sát chưa phát hiện vụ việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Điều đó khẳng định, việc chủ động ngăn ngừa là một trong những biện pháp hữu hiệu của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiện nay. Đồng thời cho thấy sự chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Trong khi đó, tại quận Liên Chiểu, công tác phòng, chống được Ban Chấp hành Đảng bộ quận xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài và tổ chức thực hiện với phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, giải quyết từ đầu”, gắn với công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số. Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy ban hành Quy định số 09-QĐ/QU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp; Quy định số 05-QĐ/QU về giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Theo đó, với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, lấy cán bộ lãnh đạo làm gương để tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị.

Đáng chú ý, công tác phát hiện, xử lý vi phạm được quận thực hiện bài bản, nghiêm túc. Năm 2022, sau khi phát hiện vụ việc xây dựng trái phép tại tổ 130 (phường Hòa Minh), có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra đối với Đảng ủy phường và các cá nhân liên quan; đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Chi bộ Đội Kiểm tra quy tắc đô thị. Qua đó, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.

Cùng với công tác kiểm tra, xử lý, Quận ủy Liên Chiểu chú trọng hoàn thiện cơ chế làm việc, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong toàn bộ quy trình điều hành. Quận thực hiện nghiêm túc luân chuyển cán bộ theo quy định, nhất là với các vị trí dễ phát sinh tiêu cực; luân chuyển cán bộ cấp trưởng giữ chức vụ không quá 8 năm, cấp phó người đứng đầu không quá 10 năm và chuyển đổi vị trí công tác đối với một số chức danh công chức, viên chức trên một số lĩnh vực nhạy cảm theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Quận  tổ chức rà soát, điều chỉnh quy trình giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp liên thông giữa các phòng, ban, đơn vị nhằm hạn chế tối đa nhũng nhiễu phát sinh.

Minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính

Không chỉ tập trung kiểm soát quyền lực và giám sát nội bộ, nhiều địa phương, đơn vị của thành phố xác định công khai, minh bạch là một trong những giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất, trực tiếp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện niềm tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp.

Tại quận Cẩm Lệ, công tác công khai, minh bạch được thực hiện một cách toàn diện, từ việc xây dựng và công bố quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đến chi tiêu ngân sách, đấu thầu mua sắm công, tài chính nội bộ. Các khoản chi theo định mức, chế độ được công khai cụ thể. Những thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến quyền lợi công dân được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đồng thời đăng tải lên các nền tảng số của quận, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, tra cứu, giám sát.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cẩm Lệ Nguyễn Thị Việt Hiền khẳng định, công khai, minh bạch không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là công cụ để tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động công vụ. Nhờ thực hiện đồng bộ, công tác này đã góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, giảm tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, tạo môi trường hành chính lành mạnh, chuyên nghiệp. “Việc công khai giúp phòng ngừa được tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, góp phần làm trong sạch đội ngũ, tạo niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp vào đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên của địa phương”, bà Hiền chia sẻ.

Cùng quan điểm đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố, nơi quản lý các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, luôn xác định cải cách hành chính gắn với minh bạch là giải pháp chiến lược. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phạm Nam Sơn cho biết, sở tập trung triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính nội bộ. Tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký đất đai hiện nay được xử lý 100% trên phần mềm ViLIS, kết nối trực tiếp với cơ quan thuế, bảo đảm tính liên thông, công khai, chính xác.

Việc xử lý hồ sơ hoàn toàn qua hệ thống điện tử giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, hạn chế cơ hội cho các hành vi nhũng nhiễu phát sinh. Sở phát hành “Cẩm nang pháp luật đất đai” để hướng dẫn cụ thể các tình huống pháp lý thường gặp cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Những thủ tục có thể rút ngắn thời gian giải quyết đều được đề xuất điều chỉnh, đồng thời bố trí bộ phận giám sát độc lập để theo dõi, phát hiện kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong xử lý công vụ. Một điểm nhấn quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của sở là kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện tiêu cực, không để tình trạng “làm ngơ” hay “né tránh” trong xử lý sai phạm. “Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã nâng cao trách nhiệm, tính minh bạch trong hoạt động của sở. Quá trình thực thi công việc được giao, nếu cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tiêu cực, sách nhiễu để doanh nghiệp, người dân phản ánh, sở sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm”, ông Sơn nhấn mạnh.

Những cách làm chủ động, đồng bộ và bài bản trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Sở Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, nếu làm đúng, phòng ngừa có trọng tâm, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được tiêu cực ngay từ khi manh nha. Không cần chờ đến lúc xảy ra sai phạm mới vào cuộc, các cấp ủy, chính quyền thành phố tạo thế chủ động trong bảo vệ sự trong sạch của bộ máy, tạo môi trường thuận lợi để thành phố phát triển.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười sáu + tám =