Lịch sử ‘sống’ lại qua từng thước phim

15 lượt xem - Đăng vào
Phim khắc họa hình ảnh các chiến sĩ sống và chiến đấu từ địa đạo. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Lịch sử ‘sống’ lại qua từng thước phim

.

“Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” không chỉ là một bộ phim mà còn là nhịp cầu nối tháng năm đã qua với hiện tại. Lịch sử không chỉ được tái hiện mà còn thổi bùng lên ngọn lửa tự hào dân tộc và nỗi biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay dành cho bao lớp người đã hy sinh vì tự do, độc lập của đất nước.

Phim khắc họa hình ảnh các chiến sĩ sống và chiến đấu từ địa đạo. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
Phim khắc họa hình ảnh các chiến sĩ sống và chiến đấu từ địa đạo. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Giữa tuần, suất chiếu khuya phim “Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” gần kín rạp, đa phần là người trẻ. Trong không gian đậm đặc hơi thở của lịch sử, thi thoảng vang lên tiếng thút thít khe khẽ. Dù mới chỉ mở suất chiếu sớm từ ngày 2 và 3-4 trước khi chính thức ra rạp từ 4-4, bộ phim đã bán được 60.000 vé – một con số đủ nói lên sức hút mạnh mẽ của tác phẩm và sự quan tâm sâu sắc của công chúng đối với ký ức dân tộc.

Trong 128 phút, phim đưa khán giả trở lại mặt trận Củ Chi năm 1967 – một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ – với những khung hình khói lửa dữ dội và tinh thần chiến đấu kiên cường của người lính du kích. 21 chiến sĩ du kích, dưới sự chỉ huy của Bảy Theo (Thái Hòa), kiên cường bám trụ địa đạo với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ trọng yếu để lực lượng tình báo chiến lược hoạt động.

Điểm nổi bật của phim là cách khắc họa con người trong chiến tranh với góc nhìn chân thực và nhân văn. Tác phẩm không lý tưởng hóa hay thần thánh hóa nhân vật, mà để họ hiện lên rất “đời” với mọi cung bậc cảm xúc: sợ hãi, đau đớn, khát khao yêu thương…

Bộ phim phá vỡ lối kể chuyện thông thường trong điện ảnh: không có nhân vật trung tâm. Mỗi người một tính cách, một nỗi sợ, một vết thương, nhưng tất cả hòa chung một tinh thần: tình yêu nước. Đạo diễn cũng không đi sâu vào lý lịch của từng nhân vật, như bao lớp người đã hy sinh vì độc lập và tự do của dân tộc, như trong bài thơ Đất nước (trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm): “Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.

Địa đạo trong phim không chỉ là không gian vật lý, mà còn là một nhân vật đặc biệt với linh hồn riêng. Nơi đây không chỉ là nơi chiến đấu, mà còn là nơi lắng nghe tiếng hát, nơi chứng kiến những câu chuyện tình yêu, những giây phút bình dị của cuộc sống, là biểu tượng của hy vọng bất diệt. Chính trong lòng đất đó, giữa khói lửa chiến tranh, những con người bình thường tìm thấy tình yêu, sự hy sinh và cuộc sống đầy ý nghĩa.

Bùi Thạc Chuyên đã chọn lối kể chuyện chân thực theo phong cách tài liệu, không chạy theo những cảnh quay mang màu sắc hư cấu đẩy cảm xúc lên cao trào để lấy nước mắt người xem. Đạo diễn mong muốn giữ cho khán giả sự tỉnh táo để suy ngẫm, học những bài học lịch sử về chiến tranh. Thay vì cảm xúc tức thời rồi tan biến, ông muốn để lại “hậu vị”, một cái gì đó khiến người ta phải nghĩ, day dứt.

“Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, không chỉ nhờ cách tiếp cận độc đáo mà còn bởi thông điệp nhân văn sâu sắc về cuộc sống, tình người và lòng dũng cảm trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Những người lính trong phim đã tìm thấy một “mặt trời” rực rỡ trong những tháng ngày khốc liệt. Và trong thời bình, chúng ta cũng có hàng triệu “mặt trời” khác.

Đó chính là giấc mơ 10 năm của người đạo diễn – khát vọng tái hiện tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân miền Nam. Ông kiên định theo đuổi phong cách phim tài liệu – chân thực, không bi lụy, không chạy theo kịch tính – với niềm tin rằng lịch sử tự thân đã đủ hùng tráng, không cần cường điệu hóa. Đạo diễn kỳ vọng tác phẩm sẽ mở ra góc nhìn mới, giúp người xem thấu hiểu những hy sinh của thế hệ cha ông cho hòa bình hôm nay.

Đó là sự quyết liệt hy sinh vì vai diễn của các diễn viên. Tinh thần yêu nước là động lực giúp họ nỗ lực mỗi ngày trong hành trình chuẩn bị gian khổ kéo dài nhiều tháng. Họ tự nguyện siết cân để có vóc dáng phù hợp với những chiến sĩ thời chiến, trải qua khóa huấn luyện quân sự nghiêm ngặt với đạn thật tại thao trường, rèn luyện thể lực và kỹ năng chiến đấu bằng dao. Họ chui xuống hầm, cầm vũ khí di chuyển với tốc độ tối đa theo đồng hồ bấm giờ – không chỉ để diễn xuất chân thực hơn mà còn thể hiện lòng tôn trọng sâu sắc đối với lịch sử và những con người thật đã từng chiến đấu tại địa đạo Củ Chi.

Đó chính là sự quan tâm, yêu thương sâu sắc của khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc ra rạp không chỉ là một buổi trải nghiệm giải trí đơn thuần mà là cơ hội để kết nối với quá khứ, với những trang sử hào hùng của dân tộc. Những thước phim sống động về vùng đất thép Củ Chi, nơi từng in đậm dấu ấn của những người anh hùng kiên cường, đã nhắc nhớ họ trách nhiệm tiếp nối tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường và lòng yêu nước của thế hệ đi trước.

“Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã thành công rực rỡ trong việc khơi dậy niềm tự hào dân tộc từ nhiều góc độ, từ những người làm phim, các diễn viên, cho đến khán giả. Mỗi người tham gia vào hành trình sáng tạo này không chỉ đóng góp tài năng và tâm huyết mà còn mang trong mình trách nhiệm lớn lao, truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về lịch sử, về những hy sinh không ngừng của các thế hệ đi trước. Tác phẩm không chỉ là một bộ phim, mà là một nhịp cầu bền vững nối liền quá khứ và hiện tại, khơi dậy trong lòng mỗi người một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của dân tộc.

LÊ THỊ THU HÀ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

hai + 6 =