Lư Nhât Vũ và ‘Ngày ấy đã qua rồi’
Lư Nhất Vũ – người nhạc sĩ tài hoa của những ca khúc cách mạng hào hùng và giai điệu dân ca phương Nam ngọt ngào: Bài ca đất phương Nam, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Hãy yên lòng mẹ ơi, Khúc hát người đi khai hoang… vừa rời xa cõi tạm. Di sản âm nhạc và nghệ thuật ông để lại cho đời thật đồ sộ, lớn lao.
![]() |
Ngày ấy đã qua rồi là tập tự truyện của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, vừa được NXB Trẻ tái bản (có bổ sung) vào đầu năm 2025.
Giọng văn duyên dáng, chân thành
Bằng lối kể chuyện duyên dáng và chân thành, hóm hỉnh trên tinh thần lạc quan, yêu đời, tác giả tự thuật lại những câu chuyện trải dài tuổi thơ mình từ đất mẹ Bình Dương; kinh qua 20 năm ròng khói lửa chiến tranh, cho đến hành trình cùng đồng nghiệp tìm tòi, lưu giữ vốn quý của dân tộc thông qua những làn điệu dân ca hò vè trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Đây là tập sách dày dặn, như chân dung tự họa của nhạc sĩ, từ thuở thiếu thời đến khi tóc bạc trắng vẫn dành trọn một đời cho lý tưởng cao đẹp: tình yêu nước, thương người, thương cả những câu hò, điệu lý, âm nhạc dân gian. Xen kẽ trong đó là những hồi ức đẹp của những người bạn văn nghệ sĩ, cũng là những đồng đội một thời kề vai sát cánh trong năm tháng cần lao của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trường kỳ viết về ông – một người bạn vong niên của họ. Trong mắt bạn bè, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là một hiền tài của đất phương Nam nhưng luôn khiêm cung, chan hòa giản dị trước mọi người.
Là người vào sinh ra tử trong giai đoạn kháng chiến đầy gian nguy, nhưng khi triệu hồi lại những ký ức của mình, qua câu chữ giản dị của ông, người đọc chỉ thấy một tâm hồn khoáng đạt, một tinh thần lạc quan, khí phách ngời ngời, không một câu than vãn. Văn phong của ông là thứ văn phong Nam Bộ vừa dí dỏm vừa duyên dáng, tếu táo trên cái nền của cuộc chiến khốc liệt. Chỉ cần một hột muối còn sót lại trong hành lý, người lính ấy cũng lấy làm vui, cũng cảm thấy biết ơn đời! Một gói mắm ruốc quý giá bị mất, ông cũng kệ “người ta ăn cũng như mình ăn, sanh sự làm chi”.
Ông còn hài hước khoe: “Tôi hái rau rừng nổi tiếng hơn sáng tác”. Năm tháng lặn ngụp trong rừng sâu đầy những hiểm nguy rình rập, phải sáng tác trong những điều kiện ngặt nghèo, cái chết kề bên, nhưng những giai điệu hào hùng, những ca từ đẹp đẽ dâng đời vẫn vút bay.
Tập tự truyện tái hiện lại rõ ràng những năm tháng gian lao nhất của đời người lính Thanh niên xung phong ấy, từ Nam ra Bắc, rồi lại từ Bắc ngược vào chiến trường B (Nam Bộ), vào sinh ra tử, “chết hụt” bao phen. Cuộc hành quân vượt Trường Sơn khốc liệt nhưng qua câu chữ của nhạc sĩ lại “trong vắt, trữ tình” hệt như những ca từ và giai điệu đẹp trong những bài hát của ông. Sự lãng mạn vẫn ngự trị trong trái tim những người lính kháng chiến: “Chúng tôi nằm nghỉ trên nền sà lan, ngắm đôi bờ núi trùng điệp. Dòng sông lơ lửng trôi dưới ánh trăng mờ ảo. Sương rơi se lạnh”.
Họ đâu biết rằng ngay sau phút giây đó là hành trình leo vách núi dựng đứng bằng thang mây: “Leo lên núi đến bở hơi tai, nhưng tuột dốc núi thì hai đầu gối “lúc la lúc lắc” thật là khó nhọc”. Cái lạc quan đến mức hài hước của người lính ấy khiến người đọc vừa bật cười vừa chua xót: “Ngó xuống thấy đầu con rắn đang mổ trên bàn chân tôi y hệt như gõ lên phím đàn”. Hết rắn độc cắn đến bị sốt rét ác tính đến mức “tóc đã rụng gần hết, bụng to chong bóc lớn hơn trái dưa hấu”, ông vẫn miệt mài sáng tác nhạc trong tình cảnh ngặt nghèo, “viết trong trạng thái hào hứng say mê lạ lùng và viết trong từng cữ sốt rét luân phiên” (Trên dặm Trường Sơn).
Cái tình của một người hiền
Lư Nhất Vũ tên thật Lê Văn Gắt, sinh ngày 13-4-1936 tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, mất ngày 29-3-2025. Ông là Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh khóa 11 (năm 1981), là ủy viên thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 3 (1983), nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập ông là “nhạc sĩ có nhiều công trình sưu tầm và nghiên cứu các thể loại dân ca Việt Nam” (năm 2009). Ông có một loạt những công trình nghiên cứu đồ sộ về dân ca các miền Nam bộ đã xuất bản và đoạt nhiều giải thưởng về văn học – nghệ thuật. |
Tập tự truyện cũng là lời tri ân, là cái tình của nhạc sĩ với tất cả người thầy đã đi qua đời, dìu dắt ông đến với sự nghiệp âm nhạc. Những người thầy được ông nhắc đến với lòng tôn kính: những thầy giáo dạy chữ, nhạc sĩ Tô Vũ…
Ngày ấy đã qua rồi cũng chính là lời cảm ơn của ông và vợ mình, nữ sĩ Lê Giang, người đồng chí, người bạn tri kỷ đã cùng ông đi hết đoạn đời gian lao mà thật đẹp này – với căn chung cư cũ kỹ số 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. 36 năm 29 ngày (dọn đến ngày 19-5-1975, rời đi ngày 16-6-2011), đây là nơi ông hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp sưu tầm, sáng tác, bảo lưu những giai điệu dân ca Nam Bộ; là nơi mà những bản nhạc phim đi vào lòng người ra đời. “Cảm ơn sóng gió đã thử thách hai chúng tôi. Cảm ơn thành phố Sài Gòn đã nuôi dưỡng ý chí cho cuộc đồng hành của hai chúng tôi được sống đẹp đến hôm nay”.
Công cuộc đi tìm dân ca cổ chẳng khác nào đi tìm hơi thở của đất. Chính vì vậy mà nhạc sĩ yêu quý và bảo vệ “hơi thở” ấy đến kiệt cùng. “Lư Nhất Vũ là điển hình của cá tính Nam Bộ xưa, khi đã yêu thích cái gì, tất cả những thứ khác đều là phụ. Nghe kỹ các bài hát của anh, phần dành riêng cho mình không có tới một lời, một chữ” (nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn).
Gấp cuốn sách, những gì đọng lại trong tôi là chân dung một người hiền. Một đời bao phen nhọc nhằn nhưng lời ông thật nhẹ nhàng: “Cuộc đời chúng tôi có thói quen lượm lặt, chắt chiu những niềm vui cỏn con nho nhỏ, những mùi vị ngọt bùi và cay đắng… để xâu chuỗi lại những vòng tràng hạt làm hành trang trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy thử thách cam go”.
TRẦN HUYỀN TRANG
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Chuyên gia kinh tế thế giới phản đối chính sách thuế quan của Mỹ
- Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh: Cần tìm nguyên nhân để tránh ép giá nông dân
- Thủ tướng Nhật Bản gặp rắc rối vì phiếu quà tặng
- Báo chí phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc
- Phát huy hiệu quả các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc