Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
LTS: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực. Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc với tinh thần chủ động, đồng bộ, kiên quyết, lấy phòng ngừa là chính. Trong nỗ lực đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội thành phố phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội góp phần quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền thành phố ban hành các chủ trương, chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân. Hiệu quả công tác này đóng vai trò như một “hàng rào phòng ngừa” từ sớm, từ xa trước nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bài 1: Đưa chủ trương đi sâu vào thực tiễn
ĐNO – Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã và đang được MTTQ Việt Nam các cấp tại Đà Nẵng xác định là một trong những nội dung trung tâm trong quá trình tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phương thức này không ngừng được đổi mới, ngày càng đi vào thực chất và gắn chặt với những vấn đề nhân dân quan tâm.
Từ giám sát truyền thống đến phản biện có chiều sâu
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm, giám sát, phản biện xã hội đã thực sự trở thành một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Mặt trận và các tổ chức thành viên; được thực hiện ngày càng bài bản, khoa học và chuyên sâu.
![]() |
Hội nghị phản biện đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ quản lý và sử dụng phí tham quan Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn dưới hình thức đối thoại trực tiếp, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 2024. Ảnh: ĐẮC MẠNH. |
Từ chỗ chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ này vào những nội dung theo chỉ đạo, nay Mặt trận các cấp chủ động chọn lựa vấn đề sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, các chuyên đề giám sát, phản biện đều gắn với những vấn đề nhân dân quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, đạo đức công vụ, tu dưỡng rèn luyện đạo đức; thực hiện các chương trình, chính sách lớn.
Hoạt động này không chỉ góp phần phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách, mà còn nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý nhà nước một cách thực chất.
Từ năm 2013 đến nay, dưới sự tham mưu của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành hàng loạt văn bản quan trọng nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Trung ương về giám sát và phản biện xã hội.
Tiêu biểu như: Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định số 06-QĐ/TU về giám sát đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên; đặc biệt là Chỉ thị số 11-CT/TU về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố ban hành năm 2021 đánh dấu bước đột phá trong bối cảnh thành phố thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Trên cơ sở này, hằng năm, Mặt trận đều đăng ký các chuyên đề giám sát, phản biện với nội dung thiết thực, có tính khả thi cao. Các chương trình, đề án lớn, dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người dân đều phải thông qua góp ý của Mặt trận và các tổ chức thành viên.
Trong 10 năm qua, Mặt trận các cấp thành phố tổ chức 174 hội nghị phản biện, gửi góp ý bằng văn bản đối với 885 nội dung dự thảo, trong đó cấp thành phố chủ trì 16 hội nghị, thực hiện 23 phản biện bằng văn bản và 2 cuộc đối thoại trực tiếp với cơ quan chủ trì văn bản.
Những cuộc phản biện không chỉ bảo đảm thủ tục pháp lý mà thực sự góp phần nâng cao chất lượng chính sách, tăng tính đồng thuận trong xã hội. Nhiều nội dung trước khi tổ chức phản biện, Mặt trận đều tổ chức đi thực địa, xem xét cụ thể.
Tiêu biểu như, phản biện đề án thu phí phương tiện cơ giới vào trung tâm thành phố (2019), Mặt trận xem xét kỹ lưỡng và có kiến nghị tạm dừng do chưa bảo đảm sự đồng thuận và khả năng thực hiện trong thực tiễn. Phản biện mức thu phí tham quan Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (2024), Hội đồng tư vấn của Mặt trận thành phố đề xuất giữ mức vé, mở rộng đối tượng được miễn, giảm; đề nghị điều chỉnh tỷ lệ phân bổ nguồn thu và đã được tiếp thu, chỉnh lý kịp thời.
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội thuộc Ủy ban MTTQ thành phố Bùi Văn Tiếng khẳng định: “Phản biện xã hội không phải để phản đối, mà để điều chỉnh chính sách cho hợp lý, sát thực tiễn hơn, tránh những “sản phẩm lỗi” khi ban hành”.
Giám sát và phản biện xã hội ngày càng hiệu quả
Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố và Quyết định số 2838-QĐ/TU kèm theo quy chế thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp và nhân dân trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố, hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận thành phố chuyển biến rõ nét về chất lượng.
![]() |
Hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận thành phố ngày càng chuyển biến rõ nét về chất lượng. Trong ảnh: Hội nghị phản biện xã hội dự án “tôn tạo, chỉnh trang Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang và khuôn viên xung quanh Đài tưởng niệm”. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Từ khâu lựa chọn chủ đề, xây dựng kế hoạch, thu thập ý kiến chuyên gia, tổ chức hội nghị… đều được chuẩn hóa, bài bản, có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, hội đồng tư vấn. Nhờ đó, các ý kiến phản biện không chỉ có tính lý luận, mà còn có chiều sâu thực tiễn và giá trị gợi mở chính sách rõ rệt.
Tổng hợp từ 10 năm qua cho thấy: hơn 90% ý kiến phản biện (954/1002 kiến nghị) của Mặt trận các cấp đã được cơ quan chủ trì tiếp thu, điều chỉnh văn bản dự thảo.
Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Phạm Thị Thảo Nguyên nhận định: “Chính nhờ phương thức tổ chức phản biện dân chủ, trách nhiệm, đa chiều, Mặt trận các cấp đã trở thành cầu nối tin cậy giữa Đảng, chính quyền và nhân dân trong quá trình hoạch định chính sách”.
Bà Thảo Nguyên cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý về tiếp thu, phản hồi sau giám sát; tăng cường công khai, minh bạch quá trình xử lý ý kiến phản biện. Đồng thời, Mặt trận cần tiếp tục chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác phản biện xã hội; tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn; đa dạng hóa hình thức giám sát, ứng dụng công nghệ, bảo vệ người tham gia giám sát và phản biện
Thực tiễn tại Đà Nẵng cho thấy, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, khi Mặt trận thực hiện đúng vai trò là “tai – mắt – miệng” của nhân dân, thì giám sát và phản biện xã hội không còn là khẩu hiệu, mà trở thành động lực thúc đẩy quản trị minh bạch, công bằng, hiệu quả.
Chủ trương không còn nằm trên giấy mà thực sự tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, đi vào cuộc sống thúc đẩy phát triển thành phố, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Mặt trận và các tổ chức thành viên của thành phố đã chứng minh điều đó bằng thực tiễn: đại diện nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân.
Nhờ đó chính sách được điều chỉnh kịp thời, đội ngũ cán bộ được giám sát chặt chẽ, nhân dân có cơ chế phản ánh, đóng góp trực tiếp vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc kiến tạo một chính quyền minh bạch, phục vụ, liêm chính và gần dân, làm giảm nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
ĐẮC MẠNH – TRUNG ĐOÀN
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Giáo dục truyền thống cho hội viên phụ nữ
- Lãnh đạo thành phố thăm, chúc Tết các đơn vị, gia đình có công cách mạng
- Đâu là tọa độ vui chơi hấp dẫn nhất Đà Nẵng dịp 29-3?
- Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025: Giảm áp lực, học sinh phấn khởi
- Chuyên gia dự báo giá vàng vượt 110 triệu đồng/lượng trong năm 2025