Mở rộng không gian đô thị

3 lượt xem - Đăng vào
Không gian đô thị của thành phố Đà Nẵng được mở rộng gấp nhiều lần sau 50 năm thống nhất đất nước. TRONG ẢNH: Góc đô thị quận Sơn Trà và Hải Châu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Mở rộng không gian đô thị

.

Sau 50 năm thống nhất đất nước, đặc biệt là sau 28 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, từ một đô thị nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, diện mạo đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh… với diện tích không gian đô thị được mở rộng gấp nhiều lần. Hiện nay, việc hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cùng những định hướng, chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù mới của Trung ương đối với thành phố đang đặt ra yêu cầu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng với không gian đô thị nói riêng và không gian phát triển nói chung được mở rộng hơn.

Không gian đô thị của thành phố Đà Nẵng được mở rộng gấp nhiều lần sau 50 năm thống nhất đất nước. TRONG ẢNH: Góc đô thị quận Sơn Trà và Hải Châu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Không gian đô thị của thành phố Đà Nẵng được mở rộng gấp nhiều lần sau 50 năm thống nhất đất nước. TRONG ẢNH: Góc đô thị quận Sơn Trà và Hải Châu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Diện tích đô thị tăng gấp 3 lần

Cuối năm 1993, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đầu tiên làm cơ sở cho Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 1-1-1997 với diện tích đô thị lúc này khoảng 5.600ha. Đây cũng là cơ sở đầu tư nhiều dự án cải tạo đô thị, nâng cấp các tuyến giao thông chính sau đó và triển khai sôi động vào đầu những năm 2000.

Tháng 6-2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là những cơ sở quan trọng, chiến lược để thành phố triển khai hàng loạt dự án trên địa bàn, biến Đà Nẵng trở thành một công trường với gần 1/3 tổng số hộ dân nhường đất để mở đường, xây dựng các khu tái định cư, khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, dự án phát triển kinh tế – xã hội. Cả thành phố từ phía đông qua phía bắc, dọc ven biển từ Nam Ô đến Hòa Hải phủ kín các dự án mới, hình thành các tuyến đường ven sông, ven biển cùng các khu đô thị mới. Hàng loạt các khu vực nông thôn cận đô thị, khu vực đất quốc phòng, khu nghĩa trang, vườn tược, đồng ruộng, đồi cát trắng… được san ủi, đắp bồi, giúp phát triển đô thị vượt bậc cả về hình hài lẫn không gian.

Trong giai đoạn hừng hực khí thế phát triển này, tháng 12-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tiếp nối các xu hướng phát triển đang diễn ra, giúp Đà Nẵng hoàn chỉnh lại đô thị đang dần tạo nên hình hài trong quá trình tái thiết.

Đến năm 2019, diện tích đô thị đạt hơn 18.300ha, gấp hơn 3 lần diện tích thành phố vào năm 1997 với hạ tầng kinh tế – xã hội, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng và tương đối hiện đại. Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung – Tây Nguyên và của cả nước.

Hướng đến đô thị lớn

Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh; thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Những định hướng mới nói trên của Bộ Chính trị và những vấn đề mới phát sinh cùng những tồn tại trong quá trình phát triển đã được điều chỉnh, cụ thể hóa trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg vào ngày 15-3-2021.

Sau hơn 4 năm thực hiện đồ án quy hoạch chung này, điểm nhấn nổi bật là trên địa bàn thành phố đã có nhiều dự án khu đô thị, tổ hợp du lịch, khách sạn, căn hộ cao cấp, bất động sản… có quy mô lớn được khởi công, động thổ và triển khai thi công rầm rộ, không chỉ tiếp tục làm thay đổi diện mạo đô thị, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong quý 3-2024 và quý 1-2025.

Nhiều dự án, công trình trọng điểm, động lực đã được hoàn thành hoặc đang triển khai thi công, như: đường vành đai phía tây, đường vành đai phía tây 2, ĐH2, ĐT601, cầu Quảng Đà và đường dẫn hai đầu cầu, Quốc lộ 14B, Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung), Trung tâm dịch vụ logistics Hòa Nhơn, cảng cá Thọ Quang…, đang và sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của thành phố cũng như hệ thống giao thông liên kết vùng của Đà Nẵng. Đặc biệt, giúp tối ưu hóa các cơ hội phát triển cho thành phố Đà Nẵng mới sau khi hợp nhất tỉnh Quảng Nam từ việc kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị đến phát triển du lịch và thương mại.

Hiện nay, cùng với việc thực hiện chủ trương của Trung ương về hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, những chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách đặc thù mới của Trung ương đối với thành phố, nhất là Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đặt ra yêu cầu khẩn trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để triển khai quy hoạch và các công trình, dự án được đồng bộ, phù hợp, nhất là các khu chức năng của Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ giữa tháng 4-2025 đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật Đà Nẵng triển khai lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng, trong đó có đề xuất chọn lựa kịch bản tăng trưởng dân số, lao động theo hướng hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc này được kỳ vọng sẽ tạo ra dư địa phát triển mới, sự liên kết vùng chặt chẽ kết hợp với những động lực phát triển nội tại của cả hai địa phương, góp phần khẳng định Đà Nẵng là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong tương lai. Thành phố Đà Nẵng mới sau hợp nhất sẽ được mở rộng không gian phát triển và quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, khát vọng mãnh liệt trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á và đô thị lớn, sinh thái… như định hướng của Bộ Chính trị.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười ba − 11 =