Mùa tri ân
Tháng Tư về, những con đường, ngõ phố như khoác lên mình một tấm áo mới – tấm áo tươi sáng, rực rỡ cho mùa lễ hội. Cảm giác mỗi chiều được chạy xe giữa hai bên đường rợp sắc cờ đỏ sao vàng thật khó tả, vừa thư thái, vừa lâng lâng, vừa trào dâng niềm tự hào dân tộc. Ít ai có thể hình dung, khung cảnh này, mảnh đất này trước đây bị tàn phá nặng nề của chiến tranh. 50 năm – một chặng đường đủ dài để mỗi hành trình ngược dòng về quá khứ lại trở thành một hành trình của xúc cảm và khắc ghi. Tháng Tư vì vậy – còn là mùa tri ân, để nhắc nhớ, để cùng chiêm nghiệm và thức nhận.
Dù chiến tranh nay đã lùi xa, nhưng trong từng nhịp đập của trái tim mỗi người dân Việt Nam, vẫn vang vọng những hy sinh âm thầm của các thế hệ cha anh. Họ là những con người bình dị, nhưng đã dâng hiến tuổi trẻ, sức lực và cả mạng sống của mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Nhờ vậy, chúng ta mới có một Việt Nam hòa bình, thống nhất như ngày nay. Biết ơn, trân trọng – cũng là lúc những thế hệ tiếp bước phải luôn tự nhủ: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Trong thời bình, một Việt Nam vững mạnh, kiên cường và phát triển luôn có sự cống hiến vì nước, vì dân từ mỗi người con đất Việt. Đó không nhất thiết phải là những việc làm to lớn, vĩ đại; những cống hiến ý nghĩa cho cộng đồng đôi khi lại đến từ những điều rất bình dị trong cuộc sống. Như những hạt giống bé nhỏ gieo vào lòng đất, cứ thế bình lặng lớn lên, mọc thành cây, đơm hoa, kết trái và làm đẹp cho đời; những sự chia sẻ, tình yêu và trách nhiệm mà mỗi người dành cho đất nước, cho nhân dân nếu được vun đắp mỗi ngày sẽ biến thành hành động, dần dần lan tỏa, tạo nên một cộng đồng biết sẻ chia, đoàn kết và tràn ngập yêu thương, trở thành sức mạnh nội sinh đưa đất nước ngày một “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Và góp phần xây dựng, phát triển đất nước cũng chính là cách bày tỏ niềm tri ân ý nghĩa nhất đối với những người đã ngã xuống cho bầu trời hòa bình xanh ngát hôm nay.
Có thể bắt gặp sự cống hiến ở bất kỳ lĩnh vực nào, ở bất cứ đâu trong xã hội, có người dành cả đời mình cho nghệ thuật, người cống hiến cho thể thao, người trọn đời nghiên cứu khoa học, người giành cả tuổi trẻ cho công tác thiện nguyện… Tất cả đều gặp nhau ở lối sống đẹp, biết kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước.
Đó là những anh hùng giữa đời thường sẵn sàng lao vào biển lửa hay dòng lũ xiết để cứu nhiều mạng người, là nhiều thầy cô giáo tình nguyện gắn bó với núi non, với sự thiếu thốn, gian khó để đem chữ đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, là những tấm gương y bác sĩ không ngại hiểm nguy tiến thẳng vào tâm dịch hay những chiến sĩ trẻ tuổi, chấp nhận hy sinh tình yêu, hạnh phúc sum vầy bên gia đình để làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi hải đảo xa xôi, vùng biên hẻo lánh.
Và cả những con người – tuy không còn cơ hội hiện diện trên thế gian, nhưng đã gửi lại sự sống quý giá cho những người khác. Hình ảnh tập thể nhân viên y tế lặng lẽ cúi đầu trong phòng mổ trước một tấm lòng cao cả – hiến tạng để cứu sống nhiều người – đã làm lay động hàng triệu trái tim, những giọt nước mắt đã rơi, nhưng trên tất cả, đó là những giọt nước mắt cảm xúc có khả năng cảm hóa, thanh lọc tâm hồn mỗi người. Từ đó, theo sự mách bảo của trái tim, con người sẽ tự nguyện cống hiến như một cách vươn đến Chân – Thiện – Mỹ trong cuộc sống.
Những sự cống hiến chất chứa đầy ân tình đó không chỉ giới hạn trong phạm vi đất nước mà còn vươn ra quốc tế với nhiều hoạt động nhân đạo, hòa bình, ngoại giao đáng trân trọng. Đơn cử như mới đây, đoàn công tác gồm 80 đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Việt Nam đã sang Myanmar tham gia cứu hộ động đất.
Với tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát hiện được 32 vị trí có nạn nhân bị mắc kẹt, trong đó đã nỗ lực, mưu trí cứu sống nam thanh niên 26 tuổi trước sự trân trọng của người dân địa phương và lực lượng cứu hộ nước bạn. Không những vậy, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử gần 900 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc; góp phần lan tỏa tinh thần quốc tế cao cả, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp…”. Những bó hoa “người tốt, việc tốt” này dường như đã và đang giúp không khí hào hùng của những ngày lịch sử trọng đại của đất nước thêm phần trang trọng và ý nghĩa. Mỗi ngày kỷ niệm không chỉ là một ngày lễ lớn của dân tộc, mà còn như một lời nhắc nhở, thì thầm của non sông về trách nhiệm với quê hương, về truyền thống bất khuất kiên trung, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho nước, cho dân của con người Việt Nam.
Ngoài kia, nắng tháng Tư dường như đang trở nên lung linh hơn, nên thơ hơn khi hòa cùng niềm vui chung của dân tộc…
ĐỖ LAN HƯƠNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- 15 lãnh đạo cấp phòng Công an Đà Nẵng xin nghỉ hưu sớm
- Động đất độ lớn 3.8 tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
- Số hóa tài liệu lưu trữ khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp
- Cảnh giác các chiêu trò lừa đảo du lịch nhân dịp lễ, hè
- Đà Nẵng: Phát hiện bãi tập kết bùn, đất và chất thải quy mô lớn sát cầu Quá Giáng