Mùa xuân trên vùng cao xanh biếc
Thành phố Đà Nẵng có một số xã miền núi, trong đó, Hòa Bắc là xã vùng cao của huyện Hòa Vang, nơi đây có hai thôn Tà Lang, Giàn Bí với 246 hộ dân người Cơ tu. Ngoài ra, người Cơ tu sống ở thôn Phú Tân, xã Hòa Phú. Văn hóa của người Cơ tu được gìn giữ qua nhiều thế hệ, trở thành nét độc đáo thu hút sự quan tâm bởi những phong tục, tập quán độc đáo.
Người Cơ tu là một trong những cư dân bản địa lâu đời ở vùng Trường Sơn đại ngàn. Bao đời nay sống dưới những tán rừng xanh thẳm, để có cái ăn, họ phải làm nương rẫy, vào rừng, xuống khe, xuống sông suối để săn bắn, hái lượm những vật phẩm mà núi rừng đã ban tặng. Chính cuộc sống ấy đã là những nguyên nhân nội tại giúp người Cơ tu hình thành những lễ hội dân gian, mà mỗi lễ hội đều gắn liền với đất trời, thần linh, cái vui cái buồn, cái no cái đói của từng bản làng của dân tộc này. Ngày nay, cùng với sự phát triển chung của xã hội, người Cơ tu đón Tết và tổ chức ăn mừng, chúc Tết đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán chung của toàn dân tộc.
![]() |
Một góc vùng nông thôn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: LÊ HÀ |
Ở người Cơ tu, trong các lễ hội gắn liền với sinh hoạt, tập quán, thì lễ hội mang ý nghĩa ăn mừng sau một mùa rẫy bội thu của cả làng, là lễ hội lớn nhất. Lễ hội này còn có ý nghĩa ăn mừng một năm cũ qua đi, một mùa rẫy đã thu hoạch tốt, dân làng bình yên; chuẩn bị cho một mùa rẫy mới đầy hứa hẹn, một năm mới ấm no, hạnh phúc cho mọi cư dân trong bản làng. Đây có thể xem là thông điệp mà người Cơ tu gửi đến Yàng những lời khẩn cầu của toàn dân làng. Đặc biệt, ở lễ hội mừng lúa mới, đón năm mới của người
Cơ tu, những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc được thể hiện rõ nhất trên cây nêu; cùng với những biểu hiện đặc sắc của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như: đánh cồng chiêng, múa, hát lý, nói lý; những nét đẹp và màu sắc trên trang phuc, trang sức, kể cả những cách biểu hiện tình cảm giữa các cá nhân với nhau và cá nhân với cộng đồng, đều được phô diễn một cách sinh động, đẹp đẽ.
Vào những năm mưa thuận gió hòa, cây lúa, cây bắp trên nương, trên rẫy đẻ nhiều hạt như lá rừng, người Cơ tu không ngớt vui sướng. Lúa về làng, đầy kho. Đó là lúc già làng bàn với các bô lão uy tín trong làng để mở hội ăn mừng, cảm ơn Yàng đã giúp cho dân làng một mùa rẫy no mắt, đầy cái bụng, sướng cái lòng người. Khi dân làng Cơ tu náo nức chuẩn bị cho ngày hội mừng lúa mới cũng là lúc những cơn mưa của đất trời đã dứt, ánh nắng cùng với năm mới về trên khắp núi rừng, làng bản. Nắng xuân ấm áp làm cho cây rừng đâm chồi nậy lộc, khiến lòng người rộn rã hơn lên. Chim Pà Loong, chim Tít Vir hót vang khắp núi rừng; hoa Hrling nở đỏ những lối đi từ làng lên rẫy, tất cả như hối thúc mọi người Cơ tu cùng nắng, cùng gió mở hội đâm trâu, khai hội mừng lúa mới, chào năm mới. Già làng xem trời, xem đất, nghe tiếng con chim hót, rồi với kinh nghiệm của bao thế hệ cha ông truyền lại, già làng sẽ quyết định cái thời khắc sẽ mở hội ăn mừng cho cả làng.
Già làng chọn một người già có phẩm hạnh, hiền lành, ăn ở tốt với mọi người, làm rẫy nhiều mùa liền không thất bát, được dân làng quý trọng, yêu mến để thực hiện nghi lễ. Chiêng, trống nổi lên với điệu múa truyền thống Tung tung – Da dá (múa nam – nữ). Điệu múa được tiến hành thành vòng tròn chung quanh cột Xờ-nur, với những thanh niên vai mang Ta-lêêt, tay cầm kiếm; các thiếu nữ vai mang gùi, trong gùi có những cây nứa và các loại lá cây. Nhạc cồng chiêng mỗi lúc một dồn dập, thúc giục hơn. Điệu múa này được tiến hành nhiều lần, lặp đi lặp lại.
Kết thúc lễ này, cả làng chuẩn bị nghi thức đón khách (Tơmoi) từ các làng khác đến dự hội của làng. Khách mời đã được báo trước, nên đến đúng giờ quy định. Đến chung vui lễ hội của làng, khách mang theo nhiều vật phẩm như: xôi, thịt, cá… Già làng cử những người hát lý giỏi, mặc trang phục lễ hội, ra đến nơi khách nghỉ, thổi kèn sừng trâu và hát lý với khách… Sau khi chủ, khách hát đối đáp xong, đoàn khách được mời vào làng, đi giữa hai hàng người đón khách có tấm tút che trên đầu; trong tiếng chiêng, trống rộn vang điệu nhạc truyền thống đón khách. Khách vào đến làng, có thể hòa nhập ngay vào điệu múa Tung tung – Da dá, cùng múa với dân làng. Nghi lễ đón khách trang nghiêm nhưng cũng rất thân tình, ấm áp tình đoàn kết, hiểu biết nhau.
Các món ăn gồm tại lễ hội gồm thịt trâu, thịt gà, cá, xôi… được bày ra trên sàn nhà Gươl. Nhiều ché rượu được mang ra. Rượu liên tiếp được già làng rót ra chén, ra ống tre để mời khách quý. Họ hát lý, đối đáp với nhau về công chuyện năm qua tốt lành, về những việc làm còn chưa tốt của dân làng, và cả về những ước mơ cho vụ mùa năm tới, cầu mong Yàng, thần linh cho họ được mạnh cái tay, khỏe cái chân. Bếp lửa nhà Gươl luôn đỏ, rượu còn chưa cạn, dân làng vẫn còn ăn uống, trò chuyện, hát lý say sưa. Đêm xuống, cồng chiêng và điệu múa Tung tung – Da dá lại vang lên, diễn ra trên sàn nhà Gươl. Nhiều chàng trai, cô gái đến tuổi yêu đương mượn tiếng cồng chiêng, điệu múa truyền thống quen thuộc để được ở bên nhau, tỏ tình với nhau, để rồi có thể thành vợ, thành chồng vào một ngày nào đó.
Lễ hội mừng lúa mới là lễ hội truyền thống của người Cơ tu. Nó đã tồn tại bao đời nay, và sẽ còn tồn tại mãi với núi rừng, với con người Cơ tu, bởi nó là tài sản vô giá, chất chứa niềm tin cháy bỏng vì một cuộc sống an lành, no đủ của mọi người dân. Lễ hội để đoàn kết con người, để tình yêu đôi lứa có dịp nảy mầm, đơm hoa kết trái. Cứ như thế, vùng cao của Đà Nẵng luôn xanh thắm bước vào xuân.
***
Để bảo tồn, phát triển văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, trong đó có người Cơ tu, UBND huyện Hòa Vang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao tổ chức thành công Liên hoan văn hóa thể thao người Cơ tu. Liên hoan mời đội cồng chiêng đến từ huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) tham gia, tạo mối quan hệ đoàn kết, giao hữu giữa các cộng đồng đồng bào
Cơ tu; tổ chức lớp khôi phục nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ người Cơ tu của 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc, xã Hòa Phú. UBND xã Hòa Bắc mở lớp nâng cao nghề dệt thổ cẩm bằng sợi màu trang trí với các họa tiết hình học kết hợp khéo léo cườm trên vải và tổ chức lớp học nâng cao nghệ thuật cồng chiêng và múa Tung tung – Da dá cho các thôn có người Cơ tu của huyện.
TẦN HOÀI DẠ VŨ
Nguồn: Báo Đà Nẵng