Mỹ cân nhắc ngừng viện trợ cho Ukraine
Truyền thông Mỹ dẫn lời quan chức cấp cao nước này cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét ngừng tất cả lô hàng viện trợ quân sự, cũng như việc hỗ trợ gián tiếp cho Ukraine sau cuộc hội đàm căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Washington (Mỹ).
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, ngày 28-2. Ảnh: AFP |
Cuộc hội đàm không suôn sẻ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng ngăn cản mục tiêu ký thỏa thuận khoáng sản giữa hai nước, đồng thời gây bất lợi cho nỗ lực thúc đẩy đàm phán chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Theo Reuters, ông Trump cảnh báo: hoặc là nhà lãnh đạo Ukraine cần đạt thỏa thuận, hoặc Mỹ sẽ rút lui. Sau cuộc gặp, trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump thậm chí chỉ trích mạnh mẽ ông Zelensky vì vẫn chưa sẵn sàng cho hòa bình và đã bỏ lỡ đáng tiếc cơ hội kết thúc xung đột thông qua cuộc gặp này.
Theo kế hoạch ban đầu, dự thảo thỏa thuận quy định Ukraine đóng góp 50% tất cả doanh thu kiếm được từ việc khai thác trong tương lai của tất cả tài sản tài nguyên thiên nhiên do Chính phủ Ukraine sở hữu vào quỹ tái thiết được đồng sở hữu và quản lý bởi Mỹ và Ukraine. Dự thảo gồm các mỏ khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các vật liệu khai thác khác cũng như cơ sở hạ tầng khác như các nhà máy LNG và cảng biển. Ông Trump nhấn mạnh, quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ở Ukraine sẽ đóng vai trò như khoản “bồi thường” cho hàng trăm tỷ USD viện trợ của Washington, đồng thời khẳng định sự hiện diện của các kỹ sư và thợ mỏ Mỹ tại Ukraine, đủ để “bảo đảm an ninh” cho Kiev như yêu cầu của ông Zelensky.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Trump đang thúc đẩy các nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine thông qua đàm phán hòa bình. Mục tiêu ký kết thỏa thuận như vậy với Ukraine không chỉ cho phép Mỹ đạt lợi ích kinh tế mà còn là cách để buộc Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận nghị quyết do chính quyền ông Trump áp đặt để chấm dứt xung đột, qua đó hoàn thành mục tiêu của ông Trump là chấm dứt xung đột càng nhanh càng tốt, Li Haidong, Giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định với Global Times.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Moscow sẵn sàng linh hoạt trong các cuộc đàm phán về Ukraine, nhưng sự linh hoạt này nhất thiết phải phù hợp với Hiến pháp Nga và thực tế trên thực địa. Theo hãng RIA Novosti, ông Medvedev cũng nhấn mạnh, Nga sẵn sàng thảo luận việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng chỉ với “những bên sẵn sàng đối thoại”.
Ngay sau chuyến thăm Mỹ không như ý muốn của ông Zelensky, nhiều quốc gia châu Âu kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Zeit dẫn lời bà Strack-Zimmermann, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Nghị viện châu Âu, cho rằng “đã đến lúc chúng ta phải tăng cường sự độc lập và giảm phụ thuộc vào Mỹ…” và “vạch ra con đường phát triển kinh tế và suy nghĩ lại vai trò của châu Âu trên thế giới”. Theo quan điểm của bà Strack-Zimmermann , Ngân hàng Đầu tư châu Âu có thể phát hành trái phiếu để châu Âu tự mình đầu tư vào việc khai thác kim loại đất hiếm thông qua việc ký thỏa thuận tương ứng giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU). Bằng cách này, có thể kiếm được hàng tỷ USD mang lại lợi ích cho Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 1-3, Anh đã công bố khoản vay mới trị giá 2,6 tỷ bảng (2,85 tỷ USD) cho Ukraine. Khoản vay sẽ được hoàn trả bằng lợi nhuận thu được từ các tài sản của Nga đang bị Liên minh châu Âu (EU) phong tỏa theo lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, The Washington Post trích dẫn lời ông Andrew Weiss, chuyên gia về Nga làm việc tại Quỹ Carnegie, cảnh báo rằng châu Âu không có đủ nguồn lực hay sự thống nhất để bù đắp cho khoảng trống mà Mỹ để lại và họ cũng thiếu các năng lực tình báo quan trọng mà Ukraine cần để duy trì chiến dịch quân sự.
Cuộc “tranh cãi” gay gắt hiếm hoi giữa ông Trump và ông Zelensky tại Nhà Trắng là sự việc “hiếm có, kịch tính” trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại. Sự cố này cũng phơi bày sự khác biệt sâu sắc giữa Mỹ và Ukraine liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra, đồng thời cũng chứng minh cho chính quyền Trump thấy rằng việc chấm dứt xung đột có thể khó khăn hơn so với kế hoạch ban đầu, Global Times dẫn nhận định của giới quan sát. Sự việc cũng cho thấy ông Trump chuyển hướng các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ theo chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết”, vượt xa những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu đầy biến động. |
THƯ LÊ
Nguồn: Báo Đà Nẵng