Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho giáo viên, học sinh
Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, nâng cao năng lực số cho giáo viên, học sinh là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
![]() |
Học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng ứng dụng thiết bị công nghệ trong giờ thực hành STEM. Ảnh: KHÔI NGUYÊN |
Là một trong các địa phương tiên phong trong triển khai mô hình giáo dục hiện đại, từ cuối năm 2024 đến nay, quận Liên Chiểu liên tục xây dựng nhiều phòng học số, thư viện số, phòng thực hành STEM cùng trang thiết bị học tập cho các trường trên địa bàn. Đây là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận tri thức một cách hiện đại, góp phần xây dựng môi trường học tập thông minh. Song song đó, quận tích cực phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực số cho giáo viên để tận dụng tối đa tài nguyên khoa học – kỹ thuật được trang bị.
Cô Thành Thị Như Quỳnh, giáo viên môn Khoa học tự nhiên Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, cho biết để bảo đảm công tác giảng dạy tại phòng học số, phòng thực hành STEM, các giáo viên của trường được tập huấn sử dụng thành thạo trang thiết bị số, cách tương tác, kết nối giữa các thiết bị, cũng như xây dựng bài giảng sinh động, kích thích tư duy học sinh. “Qua thực tế giảng dạy, các trang thiết bị hiện đại giúp ích rất nhiều cho giáo viên trong việc tương tác, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Mặt khác, nhờ sự đổi mới trong dạy và học, các em cũng rất hứng thú học tập, tiếp nhận kiến thức nhanh và xung phong lên bảng trả bài”, cô Quỳnh chia sẻ.
Tại huyện Hòa Vang, các trường học lần lượt được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy hiện đại, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh trải nghiệm công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Đến nay, cơ bản giáo viên đều biết xây dựng những tiết học, chuyên đề có ứng dụng công nghệ để làm mới bài giảng của mình.
Thầy Trần Đức An, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hòa Sơn cho biết, xác định mục tiêu năm học 2024-2025 là sử dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy, trường chỉ đạo giáo viên thiết kế các hoạt động giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của học sinh; khai thác nguồn học liệu mới, học liệu mở phục vụ bài dạy của giáo viên hiệu quả. Nhà trường yêu cầu đội ngũ giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, tích cực học tập thông qua các lớp tập huấn, video bài giảng, ứng dụng phần mềm dạy học. Để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên chủ động trong ứng dụng công nghệ, khai thác nguồn học liệu mới, học liệu mở phục vụ bài dạy sẽ tạo những giờ học chất lượng cho học sinh.
Có thể thấy, chuyển đổi số mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang Lê Văn Hoàng, các trường học có sự thay đổi rõ nét khi triển khai sử dụng các giải pháp kết nối, trao đổi thông tin trong công tác quản lý cũng như dạy và học.
Các trường tiểu học, THCS trên toàn huyện đã thực hiện ký số học bạ điện tử, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Đối với các trường học sử dụng phần mềm quản lý điểm, quản lý trường học của nhà cung cấp dịch vụ khác hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo mở rộng, phòng yêu cầu rà soát, chịu trách nhiệm kết quả đồng bộ dữ liệu.
Đến nay, 100% học sinh trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Hòa Vang có mã định danh cá nhân; 100% trường tiểu học, THCS triển khai sổ điểm, sổ theo dõi và đánh giá điện tử, thí điểm học bạ điện tử; 100% trường tiểu học, THCS triển khai giải pháp kết nối, trao đổi thông tin với phụ huynh qua hình thức tin nhắn hoặc email, website, ứng dụng di động zalo, messenger…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sở tham mưu UBND thành phố ban hành đề án số về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2024-2028, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên; tập huấn cho giáo viên về sử dụng, khai thác nội dung các chuyên đề vào dạy học, chú trọng phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực người học.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục thực hiện việc triển khai cập nhật, đồng bộ dữ liệu lên cơ sở dữ liệu ngành để quản lý hồ sơ học sinh, phục vụ công tác tuyển sinh và đánh giá học sinh, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Thời gian tới, sở tiếp tục triển khai một số nội dung của đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động giảng dạy, giáo dục, quản lý giáo dục ở các đơn vị, trường học.
KHÔI NGUYÊN
Nguồn: Báo Đà Nẵng