Người Cơ tu giữ rừng
Người Cơ tu gọi rừng bằng hai tiếng thiêng liêng “Mẹ rừng”. Mẹ rừng mang đến nguồn sống, cho dòng suối mát lành, cho bữa ăn đủ đầy trong hành trình sinh tồn. Chuyện chặt phá rừng hay săn bắn vô tội vạ, với họ là một sự xâm phạm nặng nề đến người mẹ thiên nhiên. Vì thế, biết ơn và chung tay gìn giữ, bảo vệ mẹ rừng luôn là câu chuyện được người Cơ tu truyền nhau qua các thế hệ.
![]() |
Già làng Bríu Pố (giữa) tham gia tái hiện lễ Tạ ơn rừng của người Cơ tu tại Làng du lịch Toom Sara. Ảnh: X.S |
1. “Chặt phá rừng, săn bắn bừa bãi… là một sự tra tấn với mẹ rừng. Rừng bị ảnh hưởng nên mới xảy ra chuyện lũ lụt, thiên tai…”, già làng Bríu Pố (thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) – “cây đại thụ” của núi rừng xứ Quảng mở đầu câu chuyện về bảo vệ rừng. Ông nói, trong tâm thức người Cơ tu từ xưa, thần linh là trên hết, bởi có lòng phù hộ và sự chở che của thần linh, có mẹ rừng, có suối… thì con người mới có cuộc sống no đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì thế, biết ơn và đối xử với thần linh một cách thành kính, hướng tới điều tốt đẹp trong cuộc sống là thông điệp chảy trong tiềm thức các thế hệ người Cơ tu.
Đó cũng là ý nghĩa của lễ Tạ ơn rừng của người Cơ tu (Bhuôih Ca Coong trong tiếng Cơ tu). Bên cây nêu và mâm cúng đủ đầy với con gà, bánh sừng trâu, ché rượu cần…, họ tạ ơn thần linh đã phù hộ cho bản làng một năm mưa thuận, gió hòa, lúa gạo đủ đầy…, cầu mong một năm mới an lành, người dân khỏe mạnh, mọi sự hanh thông và cũng dặn nhau ý thức hơn trong giữ gìn và bảo vệ mẹ rừng. Già làng là người điều hành nghi lễ; những chàng trai, cô gái Cơ tu trong trang phục thổ cẩm truyền thống di chuyển theo vòng tròn trong tiếng cồng chiêng âm vang. Đó là lúc lời biết ơn và nguyện cầu của người Cơ tu được gửi đến thần linh, đến tổ tiên, đến mẹ rừng.
Theo thống kê từ UBND huyện Tây Giang, tính đến năm 2023, toàn huyện có hơn 2.557 cây Di sản Việt Nam; diện tích rừng tự nhiên còn rất lớn, hệ thống động – thực vật đa dạng và phong phú về chủng loài, độ che phủ của rừng đạt 72,46% diện tích toàn huyện, nơi đây còn hiện hữu rất nhiều cánh rừng nguyên sinh, gỗ quý hiếm như: mun, lim xanh, pơmu, dổi, sến, đỗ quyên… Đặc biệt phải kể đến là “vương quốc pơmu” với hơn 2.000 cây có tuổi đời từ vài trăm năm đến cả nghìn năm, trong đó 1.146 cây được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Dưới mái nhà xanh của mẹ rừng, Bhuôih Ca Coong được tổ chức đều đặn vào tháng Giêng mỗi năm bên mái nhà gươl. Rồi từ định hướng vinh danh, ghi nhận những giá trị độc đáo, tiêu biểu về cảnh quan môi trường sinh thái của rừng cây di sản, góp phần phát huy nét văn hóa truyền thống của người Cơ tu trên địa bàn, tập tục truyền thống của đồng bào được nâng tầm thành thương hiệu văn hóa và du lịch đặc sắc với chương trình Lễ hội Khai năm tạ ơn rừng.
2. Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Nam, Lễ hội Khai năm Tạ ơn rừng được UBND huyện Tây Giang tổ chức ở Làng du lịch sinh thái rừng di sản pơmu (tháng 2-2025, nhằm ngày 15-16 tháng Giêng năm Ất Tỵ) là lần thứ 8 chương trình được diễn ra.
Trong đó, các hoạt động chính: đựng lều cúng, trang trí và dựng cây nêu, tổ chức sinh hoạt nói lý, hát lý, múa Tung tung da dá, cúng khai năm tạ ơn rừng theo nghi thức truyền thống tại nhà cúng trong rừng Di sản pơmu… đã thu hút sự tham gia đông đảo từ đồng bào địa phương và du khách.
Tháng 3-2025, già làng Bríu Pố có mặt tại Làng du lịch Toom Sara (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Tại đây, ông cùng cộng đồng người Cơ tu từ Quảng Nam và Đà Nẵng tái hiện Bhuôih Ca Coong trước sự chứng kiến của nhiều du khách, đồng thời tham gia trại sáng tác Nghệ thuật chạm khắc gỗ lũa.
Bà Hồ Thanh Nhàn, đại diện Toom Sara chia sẻ, hai hoạt động trên nằm trong chuỗi chương trình thuộc dự án “Rừng ơi, thở đi!” – sáng kiến kêu gọi cộng đồng chung tay trồng rừng bền vững, hướng đến việc tái tạo hệ sinh thái rừng bản địa, được triển khai dài hạn trong năm 2025 và tương lai xa hơn. Mục tiêu của dự án là phủ xanh 70.000m2 đất rừng tại thôn Phú Túc với cây rừng bản địa như gỗ chò chỉ và nhiều giống cây nhỏ cộng sinh (cây dược liệu, rau má).
Theo bà Nhàn, nếu việc tái hiện Bhuôih Ca Coong nhằm gìn giữ một nét truyền thống không bị mai một, thì việc chạm khắc gỗ lũa – phần lõi, rễ cây bị dòng nước cuốn trôi theo sông suối, mang trong mình dấu tích của thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên thành tác phẩm nghệ thuật đã khơi dậy nhận thức về mối quan hệ mật thiết giữa con người và rừng.
Bên cạnh đó, dự án có nhiều hoạt động kết nối cộng đồng qua hoạt động tình nguyện trồng rừng, thí điểm các sản phẩm du lịch trồng rừng… Tất cả, có sự tham gia của cộng đồng người Cơ tu bản địa – những đứa con của mẹ rừng nơi đây.
Già làng Bríu Pố chia sẻ: “Việc tái hiện các giá trị này thông qua hoạt động du lịch, với đông đảo du khách là một con đường để giới thiệu văn hóa Cơ tu. Để bạn bè gần xa biết rằng, người Cơ tu và các dân tộc ở Việt Nam nói chung luôn hướng đến những điều tốt đẹp, và lễ Tạ ơn rừng là một phần trong đó”. Nhấn mạnh thông điệp “đối xử tử tế với mẹ rừng”, ông nói, việc người dân bảo vệ rừng là thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đóng cửa rừng tự nhiên, góp phần thúc đẩy kinh tế từ rừng.
Từ lễ Tạ ơn rừng đến việc chung tay làm du lịch xanh, hay các tổ cộng đồng giữ rừng ở các địa bàn miền núi Quảng Nam – Đà Nẵng, người Cơ tu đã và đang nỗ lực bảo vệ mẹ rừng trong hành trình sinh tồn với đất trời.
XUÂN SƠN
Nguồn: Báo Đà Nẵng