Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: Mong muốn chính sách hỗ trợ tương xứng
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 137-KL/TW về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, từ ngày 1-8-2025 sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Vấn đề chính sách hỗ trợ, tái bố trí việc làm cho đội ngũ này đang được dư luận và người trong cuộc hết sức quan tâm.
![]() |
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” UBND huyện Hòa Vang. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Chị Lê Thị Thảo (39 tuổi), hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), có hơn 12 năm công tác tại địa phương. Sau khi tốt nghiệp đại học và từng làm giảng viên, năm 2013, chị về Đà Nẵng làm cán bộ văn phòng – thống kê theo diện thu hút nguồn nhân lực. Đến năm 2020, chị được điều chuyển sang vị trí công tác Đảng. Mặc dù chưa được biên chế chính thức, chị Thảo vẫn làm việc toàn thời gian như công chức, thậm chí làm thêm ngoài giờ khi được phân công.
Trong 5 năm qua, chị 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Chúng tôi là lực lượng bán chuyên trách nhưng làm việc toàn thời gian, có trình độ, có sức khỏe, đáp ứng được yêu cầu công việc. Nay nếu phải nghỉ vì sắp xếp bộ máy, chúng tôi chỉ mong có chế độ hỗ trợ hợp lý và có cơ hội được bố trí công việc phù hợp để tiếp tục cống hiến”, chị Thảo bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Huy Bình, Bí thư Đảng ủy phường Phước Mỹ, chị Thảo là một trong những cán bộ không chuyên trách có chuyên môn vững, thành thạo công nghệ, làm việc hiệu quả, rất nhiệt huyết và có nhiều đóng góp cho địa phương. “Chúng tôi mong các cấp có chính sách hỗ trợ hợp lý và xem xét ưu tiên bố trí các trường hợp như chị Thảo vào các vị trí phù hợp sau sắp xếp. Đó không chỉ là sự ghi nhận đóng góp mà còn giúp ổn định nhân sự, giữ được người có năng lực tại cơ sở”, ông Bình nói.
Tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), Bí thư Đảng ủy Nguyễn Bình cũng chia sẻ những băn khoăn tương tự. Ông cũng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ phù hợp và cơ chế tiếp tục bố trí công tác nếu cán bộ đủ năng lực, trình độ.
Toàn huyện Hòa Vang hiện có 145 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Theo ông Ngô Duy Quang, Trưởng phòng Nội vụ huyện, trong số này, nhiều người đã công tác hơn 20 năm. Việc chấm dứt hoạt động theo chủ trương chung là cần thiết, song mức hỗ trợ hiện hành còn quá thấp. “Chúng tôi kiến nghị cấp trên nên xem xét chế độ hỗ trợ tương đương với nhóm công chức, nhất là với những người còn trẻ, được đào tạo bài bản, có thể bố trí lại ở cấp xã. Nếu được bố trí công tác ở thôn, tổ dân phố, thì cũng cần được hưởng chính sách thôi việc theo quy định”, ông Quang đề xuất. Ngoài ra, ông Quang cũng cho rằng thành phố cần chủ trương chung, thông báo tới các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để ưu tiên tuyển dụng nhóm đối tượng này nếu có nhu cầu, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng có kinh nghiệm thực tiễn.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, toàn thành phố hiện có 658 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Ngay sau khi nhận được Công văn số 1497/BNV-TCBC ngày 18-4-2025 của Bộ Nội vụ, ngoài việc có văn bản đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù đối với lực lượng này, Sở Nội vụ kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ cho phép các địa phương chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ bổ sung, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương, để tạo điều kiện tốt nhất cho người nghỉ việc theo Kết luận số 137-KL/TW. Hiện tại, theo quy định hiện hành, người không chuyên trách cấp xã thuộc diện dôi dư khi nghỉ việc sẽ được hưởng chế độ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức hỗ trợ này còn thấp, chưa thực sự tương xứng với đóng góp của lực lượng này trong suốt thời gian dài công tác tại địa phương.
ĐẮC MẠNH
Nguồn: Báo Đà Nẵng