Nhật Bản đối mặt với khan hiếm gạo kéo dài

17 lượt xem - Đăng vào

Nhật Bản đối mặt với khan hiếm gạo kéo dài

.

Nhật Bản phải nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ nhằm giải quyết tình trạng giá cả tăng vọt và nỗi lo ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Theo The Guardian, gạo Hàn Quốc được nhập vào thị trường Nhật Bản trong tháng trước, lần đầu tiên kể từ năm 1999, khi giá ngũ cốc sản xuất trong nước tiếp tục tăng, bất chấp các nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm giảm bớt áp lực cho người tiêu dùng. Mặc dù, lượng gạo nhập khẩu từ Hàn Quốc được bày bán trực tuyến và tại các siêu thị thấp, chỉ ở mức 2 tấn, song con số này dự kiến sẽ tăng lên 20 tấn trong những ngày tới.

Theo truyền thống, người tiêu dùng Nhật Bản khá khó tính và thường hoài nghi về chất lượng, hương vị của gạo nhập khẩu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện tại đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng nước này.

Theo Yonhap, xuất khẩu gạo của Hàn Quốc sang Nhật Bản dự kiến sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 1990, trong khi cuộc khủng hoảng cũng mở ra cơ hội xuất khẩu tiềm năng cho các nhà sản xuất tại Mỹ. Arata Hirano, người điều hành một nhà hàng ở Tokyo, cho biết đã chuyển sang sử dụng gạo Mỹ để kinh doanh vào năm ngoái khi tình trạng thiết hụt ngũ cốc trong nước khiến giá tăng mạnh. Arata Hirano nói với Reuters rằng, giá gạo Mỹ mà nhà hàng ông đang sử dụng đã tăng gấp đôi kể từ lần mua đầu tiên vào mùa hè năm ngoái, nhưng vẫn rẻ hơn so với giá gạo trong nước.

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, giá trung bình của một bao gạo 60kg đã tăng lên khoảng 160 USD vào năm ngoái, tăng 55% so với 2 năm trước. Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức vào tháng 2-2025, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ bán đấu giá 210.000 tấn gạo, tương đương hơn 1/5 kho gạo dự trữ dự phòng.

Giữa tháng 3-2025, khoảng 142.000 tấn gạo dự trữ được giải phóng trong phiên đấu giá đầu tiên, nhưng tính đến cuối tháng, chỉ có 426 tấn, tức 0,3% tổng số, đến các siêu thị và các cửa hàng. Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đổ lỗi cho tình trạng tắc nghẽn là do thiếu xe giao hàng và thời gian cần thiết để chuẩn bị ngũ cốc để bán.

Được biết, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kho dự trữ gạo vào năm 1995, hai năm sau mùa hè lạnh giá bất ngờ làm hỏng vụ thu hoạch lúa, buộc họ phải nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài. Kho dự trữ đã giảm xuống sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 và một lần nữa sau trận động đất ở Kumamoto năm 2016.

Theo giới chuyên gia, Nhật Bản đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu gạo nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua là do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Năm 2024, Nhật Bản trải qua nhiều thiên tai lớn, bao gồm động đất mạnh ở bán đảo Noto, nắng nóng kỷ lục kéo dài và mưa lớn gây lũ lụt. Những thiên tai này phá hủy hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp, làm giảm mạnh sản lượng gạo và các nông sản khác.

Bên cạnh đó, dân số Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng, dẫn đến thiết hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều diện tích đất canh tác bị bỏ hoang do thanh niên không muốn làm nông, trong khi thu nhập từ nông nghiệp thấp hơn so với các ngành nghề khác. Mặc dù Nhật Bản có nền nông nghiệp hiện đại, nhưng tập quán canh tác truyền thống và quá chú trọng đến chất lượng gạo đã phần nào ảnh hưởng đến năng suất.

Tình trạng khan hiếm gạo kéo dài không chỉ làm gia tăng giá gạo, thay đổi thói quen ăn uống của người dân Nhật Bản, mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thực phẩm. Các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ cơm hộp chịu ảnh hưởng nặng do chi phí nguyên liệu tăng. Một số phải tăng giá bán, giảm khẩu phần hoặc tạm ngưng kinh doanh những món ăn có cơm là thành phần chính.

Đặc biệt, người già, người thu nhập thấp, trẻ em, nhóm người dễ bị tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất vì họ khó thích nghi với biến động giá. Để đối phó với tình trạng trên, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét các biện pháp hỗ trợ nông dân và cải cách chính sách canh tác để tăng năng suất và giảm tác động của thiên tai.

HÙNG LÂM

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

7 + 1 =