Những ngôi trường lưu dấu địa danh

1 lượt xem - Đăng vào

Những ngôi trường lưu dấu địa danh

.

Tên trường học là tài nguyên văn hóa quan trọng nhằm giáo dục truyền thống cho người học và cho cả người dạy học. Trường học ở Đà Nẵng cũng như mọi nơi thường mang tên danh nhân như Trường Tiểu học Lê Quý Đôn/Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Trường Phổ thông Hermann Greimer… Có những trường mang tên các sự kiện lịch sử của đất nước và đất Quảng như Trường Tiểu học Diên Hồng/Trường THPT Diên Hồng, Trường Đại học Duy Tân… Cũng cần ghi nhận trường học ở Đà Nẵng là nơi lưu dấu địa danh, với những tên gọi mang tính quốc tế như Trường Đại học Đông Á, Trường Cao đẳng Phương Đông…; hoặc mang tên đơn vị hành chính cấp tỉnh như Trường Tiểu học Pháp Việt đầu tiên ở thành phố bên sông Hàn được thành lập trên đường Yên Bái vào tháng 5-1890 mang tên École Franco-Annamite de Tourane/Trường Pháp-Việt Tourane (sau đổi tên thành École de plein d΄exercices de Tourane/Trường Toàn cấp Tourane, École des Garçons de Tourane/Trường Con Trai Tourane, Trường Nữ Tiểu học Đà Nẵng và nay là Trường Tiểu học Phù Đổng), Viện Đại học cộng đồng Quảng Đà, Đại học Đà Nẵng, Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng/ Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng…

Từ tháng 7-2025, các đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn Đà Nẵng sẽ kết thúc nhiệm vụ lịch sử, nhưng tên gọi các đơn vị hành chính cấp huyện vẫn tiếp tục được lưu dấu không chỉ trong tên gọi các đơn vị hành chính cấp cơ sở tương thích mà còn trong các tên trường trung học như các Trường THPT Hòa Vang,Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà và Trường THCS Hoàng Sa. Xin nói thêm, vào năm 1963 Đà Nẵng còn có Trường Trung học Ngoại Ô (Trường THPT Thái Phiên hiện nay) và Trường THPT Đông Giang (Trường THPT Hoàng Hoa Thám hiện nay) nhưng cả hai tên gọi này đều không nhằm lưu dấu địa danh mà chỉ mang màu sắc địa danh…

Phổ biến nhất là việc lưu dấu địa danh qua các tên xã, tên làng, chẳng hạn ở bậc tiểu học, theo dòng thời gian, trước tiên phải kể tới Trường Tiểu học An Phước nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Với tiền thân là một trường dạy chữ quốc ngữ mang tên làng Cẩm Toại được thành lập năm 1908 ở ven tỉnh lộ 102 (nay là quốc lộ 14B), đến năm 1926 trường được mang tên tổng An Phước, đến năm 1932 đổi tên thành Ecole Elémentaire d’An Phuoc/Trường sơ học An Phước, năm 1939 đổi thành Ecole Primaire Complémentaire d’An Phuoc/Trường Tiểu học An Phước, và từ tháng 9-1945 đến nay trường vẫn tiếp tục lưu dấu địa danh An Phước – Trường Tiểu học An Phước. Tiếp nữa là Trường Tiểu học Bình Khuê Cẩm, thành lập năm 1953, ban đầu vẫn mang tên Bình Thái – tên ngôi trường cũ ở Bình Thái đã quá tải (nay là Trường Tiểu học Ngô Quyền trên địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Tên trường được ghép từ ba tên làng Bình Thái, Khuê Trung và Cẩm Lệ. Ngoài ra còn có Trường Tiểu học An Hải thành lập trước thập niên 1960 (An Hải cũng là tên gọi một phường mới của Đà Nẵng vừa được hợp nhất giữa phường An Hải Bắc, An Hải Nam và Phước Mỹ).

Trên địa bàn phường Hòa Thọ Đông quận Cẩm Lệ còn có một trường tiểu học được thành lập từ trước năm 1975 mang tên Hòa Thọ (đến tháng 7-2007 đổi tên thành Trường Tiểu học Trần Nhân Tông); hoặc một trường tiểu học mang tên Hòa Phát (đến tháng 7-2007 đổi tên thành Trường Tiểu học Thái Thị Bôi) và một trường tiểu học mang tên Hòa An (đến tháng 7-2007 đổi tên thành Trường Tiểu học Nguyễn Như Hạnh)… Đặc biệt ở Hòa Vang hiện nay có 11 xã thì đã có 10 xã hiệu dùng để đặt tên cho trường tiểu học sở tại như các Trường Tiểu học Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Bắc, có một số trường hợp còn kèm theo số để đặt cho trường tiểu học thứ hai. Riêng trên địa bàn xã Hòa Phong trước đây vẫn có trường học mang tên Hòa Phong nhưng hiện nay với tư cách huyện lỵ thì chỉ lưu dấu địa danh qua tên Trường Tiểu học An Phước.

Ngoài ra ở Đà Nẵng cũng có nhiều trường tiểu học lưu dấu địa danh nhưng không phải địa danh bản địa mà là những địa danh lịch sử của đất Quảng và đất nước như Trường Tiểu học Hải Vân (Hải Vân cũng là tên gọi một phường mới của thành phố Đà Nẵng vừa được hợp nhất giữa phường Hòa Hiệp Bắc, phường Hòa Hiệp Nam với xã Hòa Bắc), Trường Tiểu học Núi Thành – tiền thân là Trường Tiểu học cộng đồng Hòa Cường thành lập năm 1960 (Hòa Cường cũng là tên gọi một phường mới của thành phố Đà Nẵng vừa được hợp nhất giữa các phường Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam, Bình Thuận và Hòa Thuận Tây), Trường Tiểu học Bạch Đằng, Trường Tiểu học Phù Đổng (từng lưu dấu địa danh Tourane/Đà Nẵng), Trường Tiểu học Hoa Lư, Trường Tiểu học Điện Biên Phủ, Trường Tiểu học Chi Lăng, Trường THCS Tây Sơn…
*
Như đã nêu trên, tên trường học là một trong những tài nguyên văn hóa quan trọng, thế nhưng theo quan sát của người viết bài này, việc giáo dục truyền thống qua lịch sử hình thành và phát triển của địa danh mà trường đương lưu dấu chưa được quan tâm bằng việc giáo dục truyền thống qua cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân mà trường vinh dự mang tên. Đúng là sưu tầm/biên soạn lịch sử hình thành và phát triển của một làng, một xã, một tổng, một huyện hay một tỉnh – kể cả những địa danh lịch sử của đất Quảng và đất nước – phục vụ cho giáo dục truyền thống đòi hỏi phải dày công hơn nhiều so với sưu tầm/biên soạn cuộc đời và sự nghiệp của một danh nhân. Rất mong các trường đang còn lưu dấu địa danh qua tên trường cố gắng đầu tư để khai thác tài nguyên mà trường mang tên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử hình thành và phát triển của địa danh ấy. Bởi không ít tên trường lưu dấu địa danh được nhắc tới trong bài này từ lâu cũng đã trở thành dĩ vãng…

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × năm =