Phát huy giá trị di sản văn hóa
Quận Thanh Khê có 10 di tích và địa điểm, công trình ghi dấu sự kiện lịch sử được đăng ký bảo vệ, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia (nhà mẹ Nhu và đình Thạc Gián), 2 di tích cấp thành phố (đình làng Thanh Khê, nhà thờ tập linh nghề cá). Ngoài ra, lễ hội cầu ngư trên địa bàn quận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được các cấp chính quyền quan tâm, góp phần gìn giữ cũng như lan tỏa các di sản, làm phong phú thêm đời sống nhân dân.
![]() |
Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê năm 2025. Ảnh: BẢO LÊ |
Nâng tầm lễ hội
Lễ hội cầu ngư và lễ hội đình làng Thạc Gián được xem là điểm nhấn văn hóa đặc sắc trên địa bàn quận Thanh Khê. Năm nay, lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 13 đến 17-2) với phần lễ trang nghiêm và phần hội sôi động. Phần lễ gồm: lễ nghinh thần, lễ cúng tế rước ngài Nam Hải Thượng đẳng thần tại bãi biển, múa cờ trình tường, lễ cầu an và nghi lễ cúng tạ với sự tham gia của các vị cao niên trong làng và lớp trẻ kế cận như sự chuyển giao từng bước truyền thống lâu đời của cha ông.
Đáng chú ý, phần hội là chuỗi các hoạt động mang đậm tính dân gian của làng chài như: Đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, ẩm thực “hương vị biển”, hát tuồng, hô hội bài chòi…Những môn thể thao vận động trên biển như biểu diễn thuyền sup, thuyền Kyat; các gian hàng trưng bày mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”; các gian hàng sản phẩm OCOP, đặc trưng của các quận, huyện trên địa bàn thành phố và các món ẩm thực đặc trưng của quận Thanh Khê. Các hoạt động diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, thu hút đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước đến tham quan, cổ vũ ngay trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Nguyên Ngọc, lễ hội cầu ngư có truyền thống lâu đời, là sản phẩm đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung bộ và Nam bộ. Lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải lấy hình tượng cá ông – vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Đối với cộng đồng miền biển, lễ hội cầu ngư là lễ lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa – cầu ngư, tế ngư thần, vừa bày tỏ khát vọng một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”.
Do đó, bảo tồn và phát huy lễ hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị tín ngưỡng, tâm linh, lịch sử truyền thống, văn hóa – nghệ thuật vùng miền đặc sắc. Các hoạt động tế lễ, văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao trong chương trình lễ hội cũng tăng cường sự gắn kết của cộng đồng dân cư, hiểu biết sâu hơn, cụ thể hơn về văn hóa tâm linh, làng xã và nhất là giá trị văn hóa riêng có của ngư dân miền biển.
Trong khi đó, lễ hội đình làng Thạc Gián được tổ chức định kỳ hai năm/lần. Sau lần thứ 7 tổ chức năm 2023, năm nay, lễ hội dự kiến diễn ra vào tháng Hai âm lịch gồm các nghi thức lễ truyền thống tôn nghiêm, thuần Việt cầu cho quốc thái dân an, cầu cho thế giới hòa bình, như: lễ cáo trời đất, lễ vọng, lễ tế âm linh, tế xuân, tế tiền hiền…Cùng với đó là nhiều hoạt động hội mang đặc trưng của văn hóa dân gian xưa như: thi viết chữ đẹp, viết thư pháp; têm trầu cánh phượng; chưng mâm ngũ quả; các môn thi bịt mắt bắt vịt, đập om, vật tay, cờ làng…
Chú trọng bảo tồn, phát huy
Đối với di tích vật thể, từ năm 2015 đến nay, thành phố và quận đầu tư hơn 6 tỷ đồng cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn quận. Năm 2024, thành phố triển khai 2 dự án tu bổ di tích khu di tích Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê, đình Thạc Gián. Đến tháng 11-2024, hoàn thành trùng tu sửa chữa di tích Địa điểm nhà mẹ Nhu và hiện nay tiếp tục theo dõi trùng tu sửa chữa di tích đình Thạc Gián và triển khai thực hiện 2 bảng quy tắc ứng xử tại di tích. Đối với di tích phi vật thể, ngoài lễ hội cầu ngư, bảo tồn, quảng bá di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn quận, các ngành chức năng quan tâm, đưa vào các lễ hội, sự kiện văn hóa diễn ra trên địa bàn.
Công tác phát huy giá trị di sản được quận Thanh Khê thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như thực hiện số hóa công trình, di tích, tài liệu, văn bản liên quan Di tích địa điểm nhà mẹ Nhu, di tích đình Thạc Gián… hướng đến đối tượng thanh thiếu niên thông qua các hoạt động ngoại khóa, học tập tại trường học như phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa, lịch sử, tìm về địa chỉ. Để lan tỏa, quảng bá tốt lễ hội, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử của quận và địa phương, thực hiện in ấn, phát hành tờ rơi giới thiệu.
BẢO LÊ
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Xe điện VinFast ngày càng phổ cập nhờ chi phí siêu dễ chịu
- Xử phạt hành chính ba đối tượng đăng tin thất thiệt về bắt cóc, buôn người
- Hơn 50% bệnh nhân nghi sởi ở Đà Nẵng đến từ các tỉnh lân cận
- 12 đội dự giải bóng đá phụ huynh thành phố Đà Nẵng năm 2025
- Thời tiết ngày 2-2: Không khí lạnh tràn về, Bắc Bộ trời rét, có nơi dưới 9 độ C