Quốc tế nỗ lực bớt căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan

2 lượt xem - Đăng vào
Ngày 8-5, Ấn Độ thông báo toàn bộ hai bang Rajasthan và Punjab, những khu vực có đường biên giới dài với Pakistan, trong trạng thái báo động đỏ.Ảnh: ANI/TTXVN

Quốc tế nỗ lực bớt căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan

.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, hai cường quốc hạt nhân ở Nam Á tiếp tục leo thang qua các vụ đụng độ biên giới, tuyên bố đáp trả cứng rắn và hành động quân sự mang tính răn đe, cộng đồng quốc tế đang tăng cường nỗ lực ngoại giao để tránh khủng hoảng vượt tầm kiểm soát.

Ngày 8-5, Ấn Độ thông báo toàn bộ hai bang Rajasthan và Punjab, những khu vực có đường biên giới dài với Pakistan, trong trạng thái báo động đỏ.Ảnh: ANI/TTXVN
Ngày 8-5, Ấn Độ thông báo toàn bộ hai bang Rajasthan và Punjab, những khu vực có đường biên giới dài với Pakistan, trong trạng thái báo động đỏ.Ảnh: ANI/TTXVN

Quan hệ Ấn Độ – Pakistan từ lâu luôn tiềm ẩn bất ổn, đặc biệt là tại khu vực điểm nóng Kashmir. Nguồn cơn cho chuỗi căng thẳng mới nhất bắt nguồn từ ngày 18-4 với vụ đụng độ lớn gần thị trấn Uri. Đỉnh điểm là việc máy bay chiến đấu của hai bên trải qua một trong những cuộc đối đầu trên không lớn nhất và kéo dài trong sáng 7-5. Tính đến ngày 8-5, ít nhất 43 người thiệt mạng cả Ấn Độ và Pakistan trong các cuộc đối đầu chỉ trong hơn 1 ngày, theo DW. Những diễn biến khó lường này khiến giới quan sát lo ngại về khả năng leo thang mất kiểm soát.

Trước tình thế nguy hiểm hiện nay, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đồng loạt lên tiếng kêu gọi kiềm chế, đồng thời thúc đẩy các kênh ngoại giao giữa hai bên. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gần đây họp khẩn để đánh giá tình hình và kêu gọi hai bên kiềm chế. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nêu rõ: “Mọi căng thẳng ở Nam Á cần được giải quyết thông qua đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh rơi vào vòng xoáy trả đũa nguy hiểm”. Đáng chú ý, với mối quan hệ đồng minh chiến lược với cả Ấn Độ và Pakistan, Mỹ từng can thiệp hiệu quả để ngăn ngừa leo thang sau các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Do đó, lần này Washington tiếp tục kêu gọi kiềm chế và giữ vai trò ngoại giao hậu trường.

Theo Reuters và The Hindu, Mỹ cử đặc phái viên Nam Á đến Ấn Độ và Pakistan, đồng thời duy trì kênh liên lạc quân sự khẩn cấp nhằm kiểm soát rủi ro xảy ra khiến căng thẳng nghiêm trọng hơn. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đang đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực ngoại giao nhằm giảm nguy cơ bùng phát xung đột này. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực, cũng lên tiếng kêu gọi kiềm chế và đề nghị tổ chức một cuộc họp ba bên không chính thức giữa đại diện Bắc Kinh, Islamabad và New Delhi.

Global Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan ưu tiên hòa bình và ổn định khu vực, giữ bình tĩnh và kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc xoa dịu căng thẳng hiện nay”. Tương tự, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan điện đàm với Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, trong đó bày tỏ sự sẵn sàng làm hết sức mình để ngăn chặn căng thẳng leo thang.

Các tổ chức dân sự và giới chuyên gia an ninh tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại. Ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Wilson (Mỹ) cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng kiểm soát kém có thể nhanh chóng dẫn đến thảm họa, nếu hai quốc gia hạt nhân này không duy trì liên lạc và kiềm chế”; đồng thời nhận định: “Mâu thuẫn Ấn Độ – Pakistan mang tính hệ thống, gắn chặt với cấu trúc an ninh và lịch sử chính trị hai nước”. Các cơ chế đối thoại song phương vẫn đang bị đình trệ, trong khi các diễn đàn khu vực như Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á chưa phát huy hết hiệu quả do bất đồng giữa chính hai nước này.

Có thể nói, tình hình hiện nay tại Nam Á một lần nữa chứng minh rằng các giải pháp tình thế không đủ để giải quyết gốc rễ xung đột. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc có ảnh hưởng cần xây dựng cơ chế đối thoại lâu dài, minh bạch và có tính ràng buộc nhằm từng bước giải quyết tranh chấp ở Kashmir và tạo dựng lòng tin giữa hai quốc gia láng giềng đầy duyên nợ này.

Trước mắt, những sáng kiến như đường dây nóng quân sự, cam kết “không sử dụng trước” (no first use) về hạt nhân, hay thiết lập cơ chế cảnh báo sớm đều được xem là các biện pháp thiết thực nhằm tránh kịch bản xấu nhất. Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu biến động nhanh chóng, việc duy trì đối thoại và giảm căng thẳng giữa hai cường quốc Nam Á này không chỉ là vấn đề song phương mà còn là mối quan tâm rộng lớn của cộng đồng quốc tế. Những nỗ lực trung gian, dù còn hạn chế, vẫn là ánh sáng hy vọng nhỏ bé cho khu vực từng nhiều lần rơi vào vòng xoáy xung đột.

LÊ MINH HÙNG – THƯ LÊ

 

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − 11 =