Sẵn sàng cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy

2 lượt xem - Đăng vào
Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa”, Trung tâm Hành chính quận Sơn Trà.  Ảnh: HOÀNG NHUNG

Sẵn sàng cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy

.

Sắp xếp bộ máy hành chính là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả. Việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương không chỉ mở ra không gian phát triển mới mà còn đặt nền móng cho mô hình chính quyền địa phương hai cấp gần dân hơn, sát dân hơn và phục vụ nhân dân tốt hơn. Đà Nẵng đang từng bước chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, bảo đảm ổn định tư tưởng, bộ máy và chất lượng phục vụ trong giai đoạn chuyển tiếp.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa”, Trung tâm Hành chính quận Sơn Trà.  Ảnh: HOÀNG NHUNG
Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” tại Trung tâm Hành chính quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Thống nhất trong nhận thức và hành động

Ngay sau khi Trung ương ban hành chủ trương và định hướng tổ chức lại đơn vị hành chính, Đà Nẵng đã triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng để tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu), Đảng ủy phường mời báo cáo viên tổ chức hội nghị quán triệt chuyên đề riêng cho toàn thể cán bộ, đảng viên và các bí thư chi bộ. Ông Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ Khu dân cư Bình Phước 1 cho biết, người dân đồng tình cao với chủ trương hợp nhất, vì nhận thức rõ lợi ích lâu dài. “Việc sắp xếp bộ máy sẽ giúp phát huy lợi thế của hai địa phương, tạo ra một không gian phát triển lớn mạnh hơn, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”, ông Lương nhấn mạnh.

Tại quận Liên Chiểu, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Khánh Bắc Lưu Thị Hiền cho biết, công tác tư tưởng được thực hiện nghiêm túc, chủ động, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách. “Chúng tôi vừa đẩy mạnh triển khai các chỉ tiêu năm 2024, vừa chuẩn bị tốt cho công tác sáp nhập, bảo đảm công việc không bị đình trệ, tư tưởng cán bộ ổn định”, bà Hiền chia sẻ.

Tương tự, tại quận Ngũ Hành Sơn, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Hòa cho biết, nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng được triển khai song song, vừa thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, gắn với nhiệm vụ tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Trong đó, chủ động xây dựng phương án sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện chủ trương không tổ chức đơn vị hành chính cấp quận; kiểm kê, thống kê về tài sản công, công tác chi tiêu ngân sách để chuẩn bị bàn giao.

Sẵn sàng cho việc sáp nhập

Các cơ quan tham mưu đang “vừa chạy, vừa xếp hàng”, chuẩn bị cho việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, sở chủ động tham mưu lãnh đạo thành phố phương án sắp xếp phường, xã. Từ 47 phường, xã sắp xếp còn 15 phường, xã và 1 đặc khu. Bên cạnh đó, khảo sát năng lực, nhu cầu, nguyện vọng đối với 658 cán bộ không chuyên trách, dự kiến phương án có thể bố trí vào các đơn vị sự nghiệp công hoặc tổ dân phố, thôn. Với yêu cầu cán bộ ở phường, xã nào thì ở nguyên phường, xã đó, tránh xáo trộn. Còn cán bộ cấp quận thì được chia đều đầu mối về các phường. Trong đó khối đảng, đoàn thể có 367 người; khối quận, huyện 777 người. Sở phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy thực hiện đề án sắp xếp cấp tỉnh. Trong đó UBND thành phố chỉ đạo các sở chủ động phối hợp bàn vấn đề hợp nhất, giải quyết những vướng mắc nếu có, những đặc tính ưu việt trong bộ máy cũ phải được giữ lại. Lưu ý những lĩnh vực đầu tư, đền bù giải tỏa, giáo dục… cần cân đối chính sách, tránh bất cập; yêu cầu chế độ, chính sách đồng bộ giữa hai địa phương.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đoàn Duy Tân cho biết, trên 15 đầu việc đã và đang được ban triển khai gấp rút, trong đó bao gồm kế hoạch, xây dựng đề án sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; quy định về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ; công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 – 2030 gắn với công tác nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031.

Những ngày này, đến các phường, xã hay quận, huyện, cán bộ, công chức trong tâm thế sẵn sàng cho việc sáp nhập cấp xã và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trước khi dừng hoạt động chính quyền cấp huyện vào ngày 30-6 và vận hành mô hình địa phương hai cấp từ 1-7. Theo định hướng của Trung ương, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương vừa là cấp ban hành chính sách và trực tiếp quản lý hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ Trung ương và cấp tỉnh ban hành, được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Mục tiêu cao nhất của mô hình chính quyền địa phương hai cấp là gần dân hơn, sát dân hơn và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 − 5 =