Sáng kiến hồi sinh đại dương toàn cầu
Sáng kiến quốc tế “Revive Our Ocean” (Hồi sinh đại dương của chúng ta) bảo vệ ít nhất 30% diện tích đại dương toàn cầu vào năm 2030 đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái biển vốn đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.
Sáng kiến là nỗ lực chung của tổ chức phi chính phủ Dynamic Planet cùng chương trình Pristine Seas của Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ. “Revive Our Ocean” tập trung hỗ trợ cộng đồng ven biển thiết lập các khu bảo tồn biển với biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt quá mức, ô nhiễm và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Các quốc gia được lựa chọn để triển khai ban đầu gồm: Anh, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Philippines và Indonesia, những nơi có hệ sinh thái biển phong phú nhưng cũng đang đối mặt với áp lực khai thác và biến đổi khí hậu ngày càng lớn.
Việc thành lập các khu bảo tồn biển không chỉ bảo vệ đa dạng sinh học mà còn tạo lợi ích kinh tế bền vững cho cộng đồng địa phương bởi khi nguồn cá phục hồi trong các khu bảo tồn, sản lượng đánh bắt ở vùng lân cận cũng tăng lên đáng kể. Đồng thời, các khu vực biển được quản lý tốt sẽ thu hút du lịch sinh thái, mang lại nguồn thu ổn định và góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân. Theo nghiên cứu do Pristine Seas thực hiện tại hơn 30 quốc gia, các khu bảo tồn biển hiệu quả có thể giúp sản lượng đánh bắt ở các vùng lân cận tăng trung bình 600% sau 10 năm và giá trị kinh tế từ du lịch sinh thái biển có thể gấp 20 lần giá trị từ đánh bắt truyền thống.
Để đạt mục tiêu “30 by 30” (bảo vệ 30% diện tích đại dương vào năm 2030), thế giới cần thiết lập hơn 190.000 khu bảo tồn mới trong 6 năm tới, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân. Theo tổ chức Dynamic Planet hiện chỉ khoảng 8% diện tích đại dương toàn cầu (29 triệu km2) nằm trong các khu bảo tồn, trong đó chỉ 3% được bảo vệ nghiêm ngặt.
Một điểm nhấn quan trọng của sáng kiến là chiến lược phát triển dựa trên cộng đồng. Các nhà tổ chức không áp đặt mô hình bảo tồn từ bên ngoài mà tập trung trao quyền cho cư dân ven biển, những người chịu tác động trực tiếp từ sự suy giảm tài nguyên biển, để họ chủ động tham gia bảo vệ môi trường sống của chính mình. Bà Kristin Rechberger, Giám đốc điều hành Dynamic Planet nhận định: “Cách tiếp cận từ dưới lên sẽ đem lại hiệu quả bền vững hơn.
Khi người dân địa phương hiểu rằng họ có thể hưởng lợi từ nguồn cá phục hồi và du lịch sinh thái, họ sẽ trở thành những người bảo vệ đại dương tích cực nhất”. Một yếu tố khác thúc đẩy sức lan tỏa của sáng kiến chính là tính minh bạch và sự phối hợp quốc tế với cam kết công khai dữ liệu tiến độ bảo tồn, đồng thời hợp tác với các tổ chức khoa học, phi chính phủ và khu vực tư nhân để tăng cường nguồn lực và hiệu quả. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu 30% đại dương được bảo vệ hiệu quả, lượng khí nhà kính hấp thụ hằng năm của hệ sinh thái biển có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ tấn CO₂, tương đương lượng phát thải của hơn 200 triệu ô-tô.
Với tinh thần “bảo vệ để phát triển” phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay trên toàn thế giới, sáng kiến này cũng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng hơn khi các nước có biển sẽ phải phối hợp chặt chẽ trong việc thiết lập các mạng lưới khu bảo tồn biển xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu khoa học và kinh nghiệm quản lý. Nếu được nhân rộng đúng cách, sáng kiến không chỉ giúp bảo vệ đa dạng sinh học biển mà còn góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực và tạo sinh kế bền vững cho hàng triệu người phụ thuộc vào đại dương.
THƯ LÊ
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Không khí lạnh dồn dập, dự báo những ngày có mưa tuần tới
- Lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức Lễ hội Food Tour với hơn 200 món ăn đặc trưng
- Chăm lo đời sống tinh thần nữ đoàn viên, người lao động
- Đại lễ Vesak 2025: Nhấn mạnh giá trị của hòa bình và đoàn kết các dân tộc
- Bồi đắp niềm tin, truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ