Saudi Arabia khẳng định vị thế trung tâm hòa giải toàn cầu
Việc Saudi Arabia được chọn làm trung tâm ngoại giao đáng tin cậy cho các sáng kiến giải quyết xung đột cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của vương quốc này ở khu vực và toàn cầu trong bối cảnh các liên minh truyền thống đang thay đổi, báo hiệu trật tự thế giới mới.
![]() |
Các nhà lãnh đạo Arab gặp nhau tại Riyadh (Saudi Arabia) vào ngày 21-2 để thảo luận về vấn đề Palestine và những diễn biến ở Gaza. Ảnh: Saudi Press Agency |
Khi quan chức Mỹ, Nga gặp nhau gần đây tại Riyadh (Saudi Arabia) để thảo luận về xung đột Nga – Ukraine, một câu hỏi đã xuất hiện trong tâm trí nhiều người: Điều gì khiến một quốc gia Trung Đông, không phải siêu cường hay thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), lại được cả phương Đông lẫn phương Tây tin cậy trong vai trò trung gian hòa giải?
Câu trả lời không nằm ở sức mạnh quân sự hay kinh tế đơn thuần, hay sức ảnh hưởng chính trị, mà thực ra Riyadh đã tạo dựng lòng tin nhờ lập trường trung lập, công bằng, nỗ lực hòa giải không ngừng và khả năng đưa ra các giải pháp bền vững và công bằng. Đây chính là những yếu tố then chốt được bồi đắp theo thời gian, trải qua nhiều thập niên, chứ không phải đạt được chỉ trong một sớm một chiều.
Theo bài phân tích gần đây của Arab News, về cuộc xung đột ở Gaza, các quốc gia Arab vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Riyadh để thảo luận kế hoạch tái thiết dải đất này, với mục tiêu khôi phục kinh tế và hạ tầng khu vực.
Theo đó, Ai Cập đang nghiên cứu chi tiết về kế hoạch được đề xuất, trong đó kêu gọi cơ quan kỹ trị độc lập để quản lý vùng đất Palestine mà không có sự tham gia của Hamas hoặc bất kỳ phe phái nào khác, mà không cần phải di dời người dân Palestine khỏi dải đất này. Sau khi kế hoạch như vậy được chấp thuận, một phái đoàn cấp cao của các nước Arab sẽ gửi tới Mỹ. Mọi dấu hiệu đến nay đều cho thấy Washington sẽ tiếp nhận tích cực và có thể bảo đảm tất cả các bên, gồm cả Israel, đều tuân thủ kế hoạch.
Saudi Arabia cũng đã tích cực trong các nỗ lực giải quyết xung đột ở Sudan, mang lại hòa bình cho Yemen và tái thiết Syria hậu xung đột, đồng thời ủng hộ việc bầu một tổng thống mới ở Lebanon và giúp mang lại hòa bình và ổn định cho Iraq, cùng nhiều hoạt động khác. Thành quả đáng chú ý khác phải kể đến là việc Riyadh chấp nhận sáng kiến của Trung Quốc nhằm bình thường hóa quan hệ với Iran vào tháng 3-2023, sáng kiến này đã thành công trong việc củng cố quan hệ giữa hai cường quốc khu vực.
Xuất hiện trên chương trình thời sự “Frankly Speaking” của Arab News, Tiến sĩ Abdulaziz Sager, người sáng lập kiêm chủ tịch Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán Mỹ-Nga tại Riyadh, lưu ý rằng lập trường trung lập của Saudi Arabi đã định vị quốc gia này là một bên triệu tập lý tưởng. Các phương tiện truyền thông toàn cầu đã nhấn mạnh vị thế độc đáo của vương quốc này khi theo đuổi chính sách đối ngoại khôn ngoan kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine và tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế mà không gây mất lòng bất kỳ bên nào liên quan.
Sau khi thành công kết nối Mỹ và Nga, Saudi Arabia đang tiếp tục đặt mục tiêu trở thành trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran. Theo CNN, Saudi Arabia bày tỏ sẵn sàng đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran nhằm đạt thỏa thuận mới hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran. Arab News dẫn lời Tiến sĩ Naif Alotaibi, quan chức Đại sứ quán Saudi Arabia tại Pakistan, nhấn mạnh: “Saudi Arabia hiểu rõ vai trò của mình: Lắng nghe tất cả các bên, không áp đặt giải pháp, và sẵn sàng chịu chi phí ngoại giao”.
Sự năng động trong chính sách ngoại giao của Saudi Arabia không phải trả giá bằng việc phá vỡ các liên minh và quan hệ đối tác kéo dài hàng thập kỷ của Saudi Arabia với các quốc gia như Mỹ và các khối như Liên minh châu Âu (EU). Khác với ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt” của các cường quốc, Riyadh xây dựng ảnh hưởng thông qua hỗ trợ các nước nghèo, tài trợ dự án phát triển và duy trì quan hệ với mọi chính phủ bất kể thể chế. Đơn cử, Quỹ phát triển Saudi (SFD) đầu tư 19 tỷ USD vào 84 quốc gia từ năm 1975, tập trung vào y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Tựu trung lại, nỗ lực hòa giải cũng là một phần hiện thực hóa chiến lược phát triển quốc gia mang tên “Tầm nhìn 2030” của nước này. Đây là quá trình xây dựng bản sắc mới của Saudi Arabia, mang lại những thay đổi tích cực về kinh tế, chính trị và xã hội ở đất nước này, mặt khác, bước đầu xây dựng thành công hình ảnh một quốc gia cởi mở, thân thiện, sẵn sàng hướng tới hợp tác và đối thoại.
Saudi Arabia trình bày Sáng kiến Hòa bình Arab năm 2002 và đây vẫn là chuẩn mực cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài trong khu vực dựa trên giải pháp hai nhà nước. Nước này cũng đã nỗ lực hàn gắn quan hệ trong khu vực vùng Vịnh, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng ngoại giao năm 2017 với Qatar. Đối với hiệp định Taif (năm 1989), Riyadh đóng vai trò then chốt trong việc chấm dứt cuộc nội chiến 15 năm ở Lebanon, thiết lập cơ chế chia sẻ quyền lực giữa các giáo phái. Đây được xem là nền tảng giúp Lebanon duy trì hòa bình dù bối cảnh chính trị phức tạp. |
THƯ LÊ
Nguồn: Báo Đà Nẵng