Sôi động cuộc đua sản xuất robot hình người

40 lượt xem - Đăng vào
Robot Agibot làm việc tại một quầy thu ngân trong siêu thị. Ảnh: Agibot

Sôi động cuộc đua sản xuất robot hình người

.

Cuộc đua sản xuất robot hình người trên thế giới đang ngày càng sôi động khi có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn với những bước tiến đáng kể, hứa hẹn mang đến đột phá công nghệ và thay đổi cuộc sống con người.

Robot Agibot làm việc tại một quầy thu ngân trong siêu thị. Ảnh: Agibot
Robot Agibot làm việc tại một quầy thu ngân trong siêu thị. Ảnh: Agibot

Mặc dù rất ít robot hình người được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) được sản xuất hàng loạt, nhưng cuộc cạnh tranh với Tesla của tỷ phú Elon Musk, một trong những công ty tiên phong được công nhận trong lĩnh vực này, đang trở nên nóng hơn. Câu nói của tương lai “Tôi là Robot”, nơi máy móc xử lý công việc nhà và phục vụ như người chăm sóc, đã thu hút hầu hết mọi công ty công nghệ lớn ở cả Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc có lợi thế lớn

Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất robot hình người khi nước này đang có lợi thế lớn, bao gồm chuỗi cung ứng phần cứng toàn diện và nguồn nhân lực AI dồi dào. Một số công ty đang hướng đến sản xuất hàng loạt sản phẩm này. Theo SCMP, Agibot, công ty khởi nghiệp về robot có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), đặt mục tiêu sản xuất và bàn giao lên đến 5.000 robot trong năm 2025, tăng mạnh so với 1.000 robot năm 2024. Điều này phản ánh sự háo hức của các công ty khởi nghiệp robot của Trung Quốc trong việc mở rộng năng lực sản xuất trong bối cảnh ngành công nghiệp trong nước đang bùng nổ.

Thành lập vào năm 2023, Agibot vươn lên trở thành công ty chủ chốt trong lĩnh vực robot của Thượng Hải. Công ty này được đồng sáng lập bởi Peng Zhihui, cựu thành viên của chương trình “Genius Youth” nổi tiếng của Huawei, chương trình này công nhận những tài năng trẻ hàng đầu tại Trung Quốc. Ông Peng, cùng với các doanh nhân của Unitree Robotics, được xem là nhân vật chủ chốt trong việc đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị trong lĩnh vực robot. 

Các nhà sản xuất ô-tô như Chery và những công ty điện gia dụng như Haier cũng tích cực đầu tư vào robot hình người cho các ứng dụng trong nhà máy, cửa hàng và gia đình. Shenzhen Dobot, công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất cánh tay robot, gây sốt khi công bố kế hoạch bán robot hình người với giá 199.000 Nhân dân tệ (27.520 USD)/chiếc. Robot này được thử nghiệm trong các nhà máy ô-tô, nhà máy điện tử, quán cà phê và dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt vào giữa năm 2025.

Sản lượng robot công nghiệp tại Trung Quốc tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 91.088 robot vào tháng 1 và tháng 2-2025; trong khi sản lượng robot dịch vụ tăng 36% lên 1,5 triệu robot. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Mỹ cũng tăng tốc trong cuộc đua này. Mới đây, hãng chế tạo robot Figure AI giới thiệu dây chuyền sản xuất tự động tiên tiến, tuyên bố có khả năng sản xuất 12.000 robot hình người mỗi năm. Meta là một trong những cái tên mới nhất gia nhập cuộc đua phát triển robot hình người, bên cạnh Nvidia, Tesla, Figure AI… Công ty đang phát triển các công cụ bảo đảm an toàn khi sử dụng robot, bao gồm cơ chế bảo vệ người dùng khỏi chấn thương và hệ thống quản lý năng lượng để ngăn robot dừng hoạt động đột ngột.

Đột phá trong khả năng vận động

Thời gian gần đây chứng kiến công nghệ đột phá trong khả năng vận động của các loại robot hình người. Từ những cỗ máy được mô tả trong các bộ phim khoa học viễn tưởng dần thành hiện thực khi có thể làm một số công việc thường nhật của con người như bê vác vật nặng, nhảy, đấu võ…

Đáng chú ý, công ty khởi nghiệp Unitree của Trung Quốc thu hút sự chú ý lớn khi robot hình người G1 của họ, biệt danh “robot kung fu”, thực hiện thành công cú lộn ngang, đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành. Ít ngày sau khi công bố khả năng bật ngang đầu tiên trên thế giới, robot hình người Unitree G1 tiếp tục gây sốt với khả năng thực hiện một động tác khó khác là “bật tôm”. Ngay cả với con người, động tác này cũng đòi hỏi sức khỏe, kỹ năng tốt và không phải ai cũng có thể thực hiện.

Trước đó, robot H1 của Unitree cũng gây tiếng vang khi biểu diễn điệu múa dân gian trên sóng truyền hình quốc gia với hơn một tỷ người theo dõi. Trong hai tháng qua, các video về robot hình người của đất nước này thực hiện các động tác như đạp xe, đá vòng cầu và lộn nhào đã làm bùng nổ Internet, thường được truyền thông tán dương như động lực tiềm năng chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các “gã khổng lồ” công nghệ dự đoán rằng robot hình người sẽ được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất, thậm chí có thể sớm vượt qua ngành công nghiệp ô-tô và sẽ sớm len lỏi vào cuộc sống thường nhật của con người.

“Mặc dù có thể mất thêm 5 đến 10 năm nữa để robot hình người tạo ra tác động thực sự đến xã hội, nhưng cuối cùng chúng có thể trở thành thiết bị điện tử tiêu dùng được áp dụng rộng rãi tiếp theo. Mọi người sẽ cần chúng, giống như ô-tô, như điện thoại di động, và khối lượng thị trường tiềm năng sẽ rất lớn”, Giáo sư Xi Ning khoa robot và tự động hóa tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) nói với CNN.

Dịch vụ thuê robot nở rộ

Dịch vụ thuê robot hình người nở rộ tại Trung Quốc từ đầu năm. Theo SCMP, khách thuê thường là doanh nghiệp để trưng bày, biểu diễn tại các sự kiện, quay phim hoặc hỗ trợ các hoạt động giáo dục, cũng như các cá nhân có đủ điều kiện kinh tế muốn trải nghiệm sớm. Giá thuê 8.000 – 16.000 Nhân dân tệ (28 đến 57 triệu đồng)/ngày, bao gồm việc vận chuyển, lắp đặt và hỗ trợ tại chỗ. 

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười bảy + 13 =