Sử dụng công nghệ đúng mực, hạn chế nguy cơ sa sút trí tuệ

15 lượt xem - Đăng vào

Sử dụng công nghệ đúng mực, hạn chế nguy cơ sa sút trí tuệ

.

Trong bối cảnh công nghệ len lỏi sâu hơn vào đời sống, không ít người lo ngại “chứng mất trí kỹ thuật số”, đặc biệt ở người cao tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây trên tạp chí Nature Human Behaviour lại mang đến góc nhìn khác lạc quan hơn: sử dụng công nghệ hợp lý có thể là “liều thuốc bổ” cho trí não người cao tuổi.

Theo CNN, phân tích quy mô lớn dựa trên nghiên cứu trên hơn 400.000 người trưởng thành từ khắp nơi trên thế giới cho thấy những người từ 50 tuổi trở lên có thói quen sử dụng công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh hoặc truy cập Internet một cách thường xuyên có nguy cơ sa sút trí tuệ thấp hơn đáng kể so với nhóm ít hoặc không sử dụng. Đáng chú ý, trong 136 tài liệu khoa học được phân tích, không có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ giữa việc dùng công nghệ và nguy cơ suy giảm nhận thức. Đây rõ ràng là tín hiệu tích cực, phản bác lại định kiến lâu nay rằng người cao tuổi nên “né tránh” công nghệ.

Tiến sĩ Jared Benge, chuyên khoa thần kinh học tại Đại học Texas chia sẻ: “Thế hệ đầu tiên được tiếp cận với các công cụ kỹ thuật số giờ đang bước vào tuổi già và dữ liệu cho thấy mối liên hệ tốt giữa công nghệ với sức khỏe nhận thức. Đây là thông điệp tích cực hơn rất nhiều so với lo ngại về việc công nghệ đang làm hỏng bộ não con người”.

Cùng quan điểm đó, Tiến sĩ Michael Scullin, chuyên gia tâm lý học tại Đại học Baylor cho biết việc sử dụng công nghệ có thể giúp người lớn tuổi duy trì khả năng nhận thức, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí nhớ và chức năng điều hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng cơ chế cụ thể dẫn đến kết quả tích cực này vẫn cần được làm rõ trong các nghiên cứu tiếp theo bởi chưa thể biết chắc việc sử dụng công nghệ giúp duy trì chức năng nhận thức, hay ngược lại, người có khả năng nhận thức tốt hơn thì dùng công nghệ nhiều hơn, hoặc có thể là cả hai.

Nghiên cứu này lập luận, việc sử dụng công nghệ để tra cứu thông tin, gửi email, tăng cường tương tác xã hội thông qua mạng xã hội, gọi video và các ứng dụng nhắn tin có thể giảm cảm giác cô đơn và trầm cảm, những yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng nhận thức.​ Bên cạnh đó, những hành động đơn giản như đặt lời nhắc uống thuốc, ghi chú công việc mang đến lợi ích thiết thực, giúp họ vượt qua rào cản tuổi tác và hỗ trợ duy trì trí nhớ hiệu quả hơn. Những phát hiện mới này hy vọng về việc công nghệ hoàn toàn có thể trở thành “người bạn đồng hành” của người cao tuổi trong hành trình duy trì chức năng nhận thức.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Alzheimer’s & Dementia cho thấy, ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh Alzheimer, việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ các hoạt động hằng ngày như thanh toán hóa đơn tự động có liên quan đến việc giảm các triệu chứng suy giảm nhận thức chủ quan. Điều này càng cho thấy công nghệ có thể đóng vai trò bảo vệ, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao. ​

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo không phải mọi hình thức sử dụng thiết bị công nghệ đều mang lại lợi ích. Việc sử dụng thụ động, chẳng hạn như tiếp xúc công nghệ không chủ đích trong nhiều giờ liền có thể không mang lại tác dụng tích cực. Một thành viên trong nhóm nghiên cứu lưu ý: “Nếu sử dụng thiết bị điện tử như cách đang dùng ti-vi, chỉ ngồi yên và tiếp nhận thông tin một chiều, thì điều đó không hề có lợi. Nhưng nếu tận dụng công nghệ để tư duy, tương tác, hỗ trợ trí nhớ đang suy giảm theo tuổi tác, thì đó lại là điều rất tốt cho sức khỏe nhận thức”.

Việc sử dụng công nghệ lợi hay hại rõ ràng tùy thuộc vào cách dùng. Trong kỷ nguyên số, công nghệ không còn là “vùng đất lạ” đối với người cao tuổi. Thay vì lo ngại và tránh né, việc trang bị cho họ kỹ năng sử dụng thiết bị số một cách hợp lý và khoa học, tập trung hoạt động mang tính tương tác và kích thích trí não, có thể là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sống và phòng ngừa nguy cơ sa sút trí tuệ.

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × 2 =