Sự khó lường trong chính sách thuế quan của Mỹ

16 lượt xem - Đăng vào
Các container chở hàng tại cảng Baltimore, Maryland (Mỹ) vào tháng 4-2025.  Ảnh: Evelyn Hockstein/Reuters

Sự khó lường trong chính sách thuế quan của Mỹ

.

Dư luận thở phào, thị trường khởi sắc ngay sau khi Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng đối với nhiều nước trong 90 ngày. Song, lo ngại vẫn còn phía trước bởi sự khó lường trong chính sách của Washington với các quyết định thuế quan liên tục đảo chiều. 

Các container chở hàng tại cảng Baltimore, Maryland (Mỹ) vào tháng 4-2025.  Ảnh: Evelyn Hockstein/Reuters
Các container chở hàng tại cảng Baltimore, Maryland (Mỹ) vào tháng 4-2025. Ảnh: Evelyn Hockstein/Reuters

Chỉ khoảng 13 tiếng sau khi thuế quan đối ứng của Mỹ có hiệu lực, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế quan trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoại trừ Trung Quốc. Theo lý giải của ông Trump, đây là sự ghi nhận thực tế các quốc gia này có thiện chí đàm phán với Mỹ. Ngay sau thông báo của ông Trump, thị trường phản ứng tích cực khi cổ phiếu toàn cầu tăng vọt. Đơn cử, S&P 500 tăng 9,5%, mức tăng lớn nhất trong một ngày của chỉ số này kể từ năm 2008, theo AP.

Giới phân tích suy luận sự thay đổi chóng vánh của ông Trump được cho là xuất phát từ tác động tiêu cực trên thị trường trái phiếu những ngày qua, song giới chức Nhà Trắng khẳng định quyết định này nằm trong chiến lược đàm phán dài hạn của ông Trump với việc công bố áp thuế cách đây một tuần, đóng vai trò như “chất xúc tác” kéo các nước đến bàn đàm phán với Mỹ để đạt thỏa thuận tránh thuế quan cao. “Thông báo hoãn thuế là rất tích cực cho thế giới và chúng ta. Chúng ta không muốn làm tổn thương các quốc gia. Tất cả các nước này đều muốn đàm phán”, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social.

ABC News dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết: “Tổng thống Trump muốn tạo lợi thế đàm phán tối đa cho bản thân. Các nước, phần lớn là đồng minh của Mỹ, đang phản hồi tích cực và sẵn sàng đàm phán một cách thiện chí”. Thực tế, lâu nay chính quyền ông Trump liên tục thúc giục các nước đối tác thực hiện nhiều biện pháp, gồm giảm thuế quan cũng như rào cản thương mại như quy định, hạn ngạch, trợ cấp cho các nhà sản xuất trong nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trên hết, ông cho rằng thuế quan đối ứng có thể được coi là phương tiện để đạt được mục tiêu hạ thấp rào cản thương mại nói chung, trong khi thuế quan theo ngành thì không khả thi.

Sự thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của Mỹ khiến những diễn biến sắp tới càng khó đoán định. Nếu không có gì thay đổi, có khả năng khi thời gian tạm dừng áp thuế 90 ngày sẽ kết thúc vào đầu tháng 7-2025 và các quốc gia chưa đàm phán thỏa thuận với Mỹ sẽ lại phải đối mặt với mức thuế quan đã được áp dụng tạm thời vào ngày 9-4. Tuy nhiên, cũng có khả năng ông Trump sẽ tuyên bố hoãn thuế thêm một lần nữa bởi ông từng hai lần hoãn áp dụng thuế quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, theo Channel News Asia (CNA).

Kế hoạch tạm dừng áp thuế không phải là sự rút lui hoàn toàn, bởi nhiều mức thuế quan mạnh mẽ vẫn được duy trì, bao gồm thuế 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ; 25% đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm. Trong 3 tháng tới, Nhà Trắng dự kiến đàm phán với hàng chục nước để đạt thỏa thuận dài hạn song đây là quá trình phức tạp và thử thách.

Dù thị trường phục hồi ngoạn mục nhưng các chuyên gia cảnh báo Mỹ có thể suy thoái trong vài tháng tới, khi doanh nghiệp chịu áp lực từ chính sách thuế chưa được gỡ bỏ. Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng của Công ty tư vấn RSM, chia sẻ với CNN: “Kinh tế Mỹ vẫn có khả năng rơi vào suy thoái, xét đến mức độ các cú sốc đồng thời mà nền kinh tế này phải chịu”.

Mỹ – Trung Quốc căng thẳng về thuế quan
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở thế bế tắc sau khi cả hai bên phớt lờ cảnh báo của nhau và liên tiếp đáp trả bằng cách tăng thuế lên hàng hóa mỗi bên. Đến nay, Mỹ đã tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125%, sau khi Bắc Kinh tuyên bố áp mức thuế lên tới 84% đối với hàng hóa từ Mỹ kể từ ngày 10-4. Cùng ngày, theo Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nếu đàm phán thì cánh cửa luôn rộng mở, nhưng đối thoại phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khá lớn khi Mỹ nhập khẩu hàng từ Trung Quốc (440 tỷ USD) nhiều hơn so với chiều ngược lại (145 tỷ USD), dẫn đến mức thâm hụt tương đương 1% kinh tế Mỹ. Tổ chức Thương mại thế giới ước tính căng thẳng leo thang có thể giảm 80% thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế.

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 − 1 =