Tạo đột phá với đòn bẩy khoa học và công nghệ
Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, các trường đại học cần chú trọng kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu hàn lâm, công bố khoa học để hội nhập, nâng cao uy tín quốc tế với nghiên cứu ứng dụng, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết trong thực tiễn.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ Giám đốc Đại học Đà Nẵng (giữa) trao thưởng các điển hình trong nghiên cứu khoa học, tham vấn chính sách, có sản phẩm ứng dụng phục vụ cộng đồng. Ảnh: HẢI ĐĂNG |
Đại học Đà Nẵng tạo đột phá dựa trên “đòn bẩy” khoa học công nghệ, chuyển từ nghiên cứu những gì mình có sang nghiên cứu theo đặt hàng, qua đó tăng cường gắn kết các địa phương, doanh nghiệp. Để thực hiện Chiến lược Phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đạt tỷ lệ bình quân số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ trên mỗi giảng viên đạt 0,6 công trình/năm, Đại học Đà Nẵng luôn chú trọng chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, phát huy tiềm lực đội ngũ trong nghiên cứu và công bố khoa học quốc tế.
Với tiềm lực đội ngũ khoảng 800 tiến sĩ (138 giáo sư/phó giáo sư, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt gần 50%), bình quân các năm gần đây, Đại học Đà Nẵng có hơn 500 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (WoS/Scopus).
Năm 2025, Đại học Đà Nẵng có 3/3 nhóm tác giả được UBND thành phố khen thưởng vì có sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có 25 tác giả (trên tổng số 35 tác giả toàn thành phố, chiếm gần 72%) với 38 bài báo được UBND thành phố khen thưởng vì có công bố khoa học trên các tạp chí uy tín.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học công nghệ tiên tiến thuộc Đại học Đà Nẵng, đồng thời là thành viên nhóm tác giả đã được cấp bằng độc quyền sáng chế UPSTO của Hoa Kỳ với dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn”, việc nghiên cứu phát triển Hệ thống truyền dữ liệu cực lớn (10¹² bit/s) có tiềm năng ứng dụng, hướng đến mạng internet thông minh, phù hợp mục tiêu phát triển thành phố. Nhóm công bố 6 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín (SCIE Q1); 1 bài báo trên kỷ yếu hội thảo quốc tế (được giải bài báo xuất sắc “Best Paper Award”); tham gia đào tạo 3 nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Bên cạnh nghiên cứu hàn lâm, Đại học Đà Nẵng động viên, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tích cực tham gia nghiên cứu, góp ý xây dựng, phản biện, tham vấn chính sách. Đại học Đà Nẵng phối hợp các cơ quan Trung ương và Thành ủy tổ chức các hội thảo khoa học uy tín như: hội thảo phát triển các ngành dịch vụ trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa; hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ góp phần thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hội thảo đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp chip bán dẫn…
Dự kiến tháng 7-2025, Đại học Đà Nẵng sẽ đăng cai hội thảo quốc tế về khoa học và công nghệ sức khỏe lần thứ 2 (ICHST – 2025) với các đại học hàng đầu như: Đại học Harvard, Đại học Connecticut, Đại học Columbia (Hoa Kỳ); Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc); Đại học Quốc gia Singapore… Đây là kết quả hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với Đại học Bách khoa Hà Nội và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), tiếp tục khẳng định là điểm đến của các sự kiện, hội thảo khoa học lớn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, Đại học Đà Nẵng sẽ gắn kết hơn nữa với các địa phương, doanh nghiệp; mở rộng hợp tác quốc tế; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành để có thêm các dự án, sản phẩm thiết thực, hiệu quả, góp phần phát hiện, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết như: phòng, chống ngập úng, ùn tắc, an toàn giao thông, cứu nạn cứu hộ; triển khai các giải pháp, phần mềm phục vụ phát triển Đà Nẵng trong mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN.
“Đối với việc Đà Nẵng đang xúc tiến hình thành trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, cảng Liên Chiểu, phát triển các ngành mũi nhọn, thành phố cần thêm các chính sách nổi trội để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, hình thành lực lượng nòng cốt làm chủ tri thức, công nghệ mới.
Đà Nẵng cần quan tâm đầu tư, xây dựng một số phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính (fintech)… để trở thành “Hub” quy tụ nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho sự phát triển thành phố”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ đề xuất.
HẢI ĐĂNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Gần 500 vận động viên dự giải Taekwondo Hanul mở rộng
- Dừng thẩm định chấp thuận đầu tư 2 bến container cảng Liên Chiểu
- Bộ Nội vụ đề xuất số lượng phòng của UBND cấp huyện
- Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các tỉnh, thành phố trong cả nước
- Triệt phá công xưởng sản xuất ma túy tổng hợp ‘khủng’ nhất Việt Nam