Thái Lan thúc đẩy sức mạnh mềm để tạo động lực tăng trưởng

14 lượt xem - Đăng vào

Thái Lan thúc đẩy sức mạnh mềm để tạo động lực tăng trưởng

.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia không chỉ dựa vào các nguồn lực vật chất như tài nguyên, lao động hay công nghệ mà còn chú trọng đến loại tài nguyên vô hình nhưng đầy tiềm năng: văn hóa, cốt lõi của sức mạnh mềm.

Thái Lan là một trong những nước Đông Nam Á đi đầu trong xu hướng này. Bangkok Post ngày 17-4 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Phát triển quyền lực mềm Thái Lan Surapong Suebwonglee cho biết, chính sách quyền lực mềm đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tạo động lực tăng trưởng mới, vì các ngành công nghiệp thông thường khó có thể duy trì mức tăng trưởng đáng kể. Vì thế, dự thảo Đạo luật Thúc đẩy văn hóa sáng tạo đã hoàn thành và sẽ sớm đệ trình lên nội các thông qua.

Chính phủ sẽ thành lập Cơ quan Văn hóa sáng tạo Thái Lan (Thacca), siêu cơ quan này dự kiến đi vào hoạt động vào quý 1-2026 với vai trò cơ quan chủ chốt thúc đẩy sáng kiến quyền lực mềm. Cấu trúc của cơ quan này gồm hệ thống hội đồng quản trị ba cấp, với thủ tướng là người đứng đầu hội đồng chính sách quốc gia, tiếp theo là hội đồng quyền lực mềm quốc gia thứ cấp và các hội đồng phụ trách các ngành công nghiệp khác nhau.

Ông Surapong nhấn mạnh sức mạnh mềm không chỉ là công cụ quảng bá hình ảnh quốc gia mà còn là yếu tố then chốt trong việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng sáng tạo, bền vững và dựa vào tri thức. Thacca được kỳ vọng trở thành đầu mối điều phối sáng kiến văn hóa giữa khu vực công và tư, đồng thời là trung tâm hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chiến lược.

Đây là lần đầu tiên Thái Lan xây dựng hành lang pháp lý toàn diện để thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên các ngành nghề sáng tạo, đồng thời định vị lại giá trị của văn hóa quốc gia trên bản đồ toàn cầu. Các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo gồm điện ảnh, âm nhạc, thời trang, thiết kế, trò chơi điện tử, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… không chỉ phản ánh bản sắc và tâm hồn dân tộc mà còn tạo giá trị kinh tế to lớn nếu được khai thác và quảng bá đúng cách.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng đầu tư mạnh vào giáo dục nghệ thuật, khuyến khích các trường đại học hợp tác với doanh nghiệp để ươm tạo tài năng và phát triển sản phẩm sáng tạo mang thương hiệu Thái Lan. Các cuộc thảo luận của chính phủ với khu vực tư nhân gần đây đã thống nhất đưa ra kế hoạch bổ sung các ngành công nghiệp quyền lực mềm gồm sản xuất phim truyền hình và phim dài tập, nghệ thuật biểu diễn, chăm sóc sức khỏe và ngành quảng cáo.

Đơn cử, bộ phim “The Medium” (2021) do Thái Lan sản xuất gây tiếng vang toàn châu Á, không chỉ nhờ nội dung hấp dẫn mà còn nhờ cách thể hiện văn hóa tâm linh đặc trưng Thái. Các lễ hội truyền thống như Songkran hay Loy Krathong được truyền thông quốc tế khai thác rộng rãi, kéo theo làn sóng du lịch trải nghiệm văn hóa. Món ăn Thái hiện diện khắp thế giới không chỉ như một món ăn mà là hình ảnh đại diện của văn hóa Thái năng động và sáng tạo…

Chính phủ Thái Lan cũng đặt mục tiêu đào tạo và nâng cao kỹ năng làm việc cho khoảng 20 triệu công dân năm 2027 để tạo “những chiến binh quyền lực mềm”. Đến năm 2030, ngành công nghiệp sáng tạo sẽ đóng góp ít nhất 10% GDP, đồng thời trở thành trụ cột quan trọng, bên cạnh du lịch, nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Thách thức đặt ra là làm sao để duy trì bản sắc văn hóa trong khi vẫn hiện đại hóa và thích ứng với thị hiếu toàn cầu. Song, với nền tảng văn hóa phong phú, sự chủ động của chính phủ và sự tham gia tích cực từ khu vực tư nhân, Thái Lan có nhiều cơ sở để tin rằng quyền lực mềm này sẽ trở thành động lực chiến lược mới cho phát triển kinh tế – xã hội trong thập kỷ tới.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

mười hai + 9 =