Thành công muộn, đừng gọi là trễ
Không ít người cho rằng đỉnh cao sáng tạo chỉ dành cho tuổi trẻ. Nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại: có những tài năng chỉ thật sự nở hoa sau tuổi 50 – khi đời người đã đủ sâu, đủ chín để tạo nên điều phi thường.
![]() |
Danh họa Vincent van Gogh từng bị dè bỉu rằng “anh không phải nghệ sĩ” khi bắt đầu cầm cọ ở tuổi 28. Ảnh: Financial Times |
Nhà soạn nhạc Leoš Janáček chỉ thực sự bước vào thời kỳ đỉnh cao ở tuổi 74 – một độ tuổi mà nhiều người đã thôi mơ mộng. Trong khi đó danh họa Vincent van Gogh từng bị dè bỉu rằng “anh không phải nghệ sĩ” khi bắt đầu cầm cọ ở tuổi 28. Thế nhưng, chính trong hai năm cuối đời, bậc thầy hội họa người Hà Lan này đã tạo nên gần như toàn bộ gia tài hội họa lẫy lừng của mình. Những câu chuyện ấy khiến ta không khỏi tự hỏi: liệu ta có đang nhìn tài năng qua lăng kính tuổi tác một cách bất công và thiển cận?
Sự thiển cận với tài năng “nở muộn”
Theo bà Isabel Berwick – tác giả cuốn The Future-Proof Career và biên tập viên kỳ cựu của báo Financial Times, môi trường làm việc hiện đại vẫn đang duy trì “một lượng phân biệt tuổi tác đáng kinh ngạc”. Hơn một nửa nhà tuyển dụng thừa nhận không muốn chọn người trên 50 tuổi, một con số cho thấy định kiến đã bén rễ sâu đến mức bất công: rằng chỉ có tuổi trẻ mới tạo nên điều vĩ đại.
Nhưng đó là một ảo tưởng phổ biến, như tác giả Malcolm Gladwell từng lý giải trong bài viết Late Bloomers (New Yorker, 2008). Chúng ta thường tôn vinh những “thần đồng”, như Tiger Woods cầm gậy golf từ lúc ba tuổi, hay Luke Littler ném phi tiêu trúng đích khi còn chưa biết đánh vần tên mình, và ngộ nhận rằng mọi thiên tài đều phải sớm bộc lộ. Thật ra, đó chỉ là sự nhầm lẫn giữa tài năng lớn và sự phát triển sớm.
Kinh tế gia David Galenson, người đi đầu trong nghiên cứu chu kỳ sáng tạo, đã chia nghệ sĩ thành hai nhóm: “nghệ sĩ khái niệm” (conceptual artists) như Picasso hay Bob Dylan, đạt đỉnh nhờ táo bạo đổi mới khi còn trẻ; và “nghệ sĩ thực nghiệm” (experimental artists) như danh họa Rembrandt hay ban nhạc Fleetwood Mac, cần thời gian để nuôi dưỡng kỹ năng, tích lũy trải nghiệm, rồi mới thăng hoa.
Lý thuyết này mở ra một lối nhìn công bằng hơn: thiên tài không chỉ là sớm rực rỡ, mà còn có thể là chậm mà sâu. Có người viết thơ hay ở tuổi 20, nhưng cũng có Wendy Cope chỉ xuất bản tập thơ đầu tiên ở tuổi 40, hay Julia Child làm cả thế giới mê ẩm thực Pháp khi đã 50 tuổi. Tài năng có những mùa nở khác nhau, và mùa nào cũng xứng đáng được tôn trọng.
Tài năng không có tuổi
Khác với hình dung phổ biến rằng tài năng là món quà trời phú sớm bộc lộ, thực tế cho thấy nhiều người chỉ tìm thấy đam mê và năng khiếu thật sự sau những vòng đời thử – sai. Van Gogh là một minh chứng điển hình. Trước khi trở thành họa sĩ thiên tài, ông từng làm qua nhiều nghề: nhân viên hiệu sách, giáo viên, nhà truyền giáo… Và khi bắt đầu vẽ, ông cũng thử nghiệm không ít phong cách trước khi tìm được tiếng nói nghệ thuật riêng.
Trong cuốn Range, tác giả David Epstein nhấn mạnh rằng con đường vòng vèo đôi khi mới là lối đi đúng. Ông dẫn nghiên cứu của nhà kinh tế Ofer Malamud cho thấy: học sinh ở Scotland – nơi cho phép chuyên môn hóa muộn – có thể khởi đầu chậm hơn so với học sinh ở Anh và xứ Wales, nhưng lại chọn nghề phù hợp hơn về lâu dài. Sự “chậm trễ” hóa ra lại là một quá trình khám phá cần thiết và đáng giá.
Tư tưởng này được Henry Oliver, tác giả cuốn Second Act, nói rõ: “Tiềm năng chưa được bộc lộ có thể mạnh mẽ như nhau ở người 40 hay 50 tuổi, không kém gì ở tuổi 20”. Chẳng có gì sai khi Van Gogh vẽ ở tuổi 28, Wendy Cope làm thơ ở tuổi 40, hay Janáček viết kiệt tác khi gần 70 tuổi.
Một ví dụ hiện đại là vận động viên Georgia Bell, người từng từ bỏ điền kinh để làm công việc văn phòng trong lĩnh vực an ninh mạng. Sau 5 năm rời đường chạy, cô trở lại từ một giải chạy phong trào Parkrun. Và ở tuổi 30, tại Olympic Paris, Bell không chỉ phá kỷ lục cá nhân 4 giây mà còn giành huy chương đồng nội dung 1.500m. “Tôi không biết liệu mình đã từng hạnh phúc như thế này chưa”, cô chia sẻ.
Georgia Bell có thành tích để chứng minh mình xứng đáng. Nhưng phần lớn chúng ta không có bảng điểm hào nhoáng. Để “nở muộn”, ta cần vượt qua những cánh cổng định kiến, đôi khi là từ chính bản thân mình. Đừng quá vội đánh giá ai đó… và nhất là, đừng đánh giá thấp chính mình.
Hai kiểu “nở muộn” và lý do nên trân trọng Theo nhà kinh tế học David Galenson, những người thành công muộn thường rơi vào hai kiểu hình tiêu biểu. Một là nhóm “chuyển hướng sự nghiệp”, những cá nhân khám phá ra niềm đam mê mới hoặc năng lực tiềm ẩn sau thời gian dài làm việc trong lĩnh vực khác. Van Gogh từ bỏ nghề truyền giáo để trở thành họa sĩ; Julia Child tìm thấy thiên hướng ẩm thực khi đã qua tuổi 40. Hai là nhóm “kiên trì phát triển”, những người không ngừng hoàn thiện kỹ năng, tích lũy trải nghiệm qua thời gian dài để cuối cùng đạt được trình độ xuất sắc, như Rembrandt hay Janáček |
TRẦN ĐẮC LUÂN
Nguồn: Báo Đà Nẵng