Thấy gì khi ông Friedrich Merz trở thành tân Thủ tướng Đức
Ngày 6-5, ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), được Quốc hội Đức bầu làm Thủ tướng. Không chỉ Đức chứng kiến bước ngoặt chính trị mà cả châu Âu cũng dõi theo trong tâm thế chờ đợi những đổi thay sắp tới. Sự trở lại của một chính khách lão luyện đã thổi luồng gió mới vào nền chính trị Đức vốn đang chật vật thời gian qua.
Theo Reuters, ông Merz nhận đủ số phiếu ủng hộ và trở thành thủ tướng thứ 10 của Đức trong vòng bỏ phiếu thứ hai ngày 6-5, sau khi chính phủ liên minh mới gồm CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối mặt khủng hoảng ngay từ khởi đầu khi ông Merz thất bại trong lần bỏ phiếu đầu tiên. Điều này phơi bày sự chia rẽ nội bộ, đặc biệt trong SPD, nơi bộ phận cánh tả phản đối liên minh với phe bảo thủ. Ngoài ra, sự bất mãn xuất phát từ dự thảo liên minh gây tranh cãi liên quan đến cải cách phúc lợi xã hội, việc không cam kết tăng lương tối thiểu và vắng bóng những gương mặt thân tín với cựu Thủ tướng Angela Merkel trong nội các.
Chiến thắng của ông Merz là bước đi chiến lược, nhưng cũng là lời nhắc nhở rằng quyền lực chính trị ở Đức không còn là tuyệt đối. Với nội bộ liên minh mong manh và sự giám sát từ phe tiến bộ trong cả CDU lẫn SPD, nhiệm kỳ của ông sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Ông Merz phải đối mặt với thực tế phức tạp đó là sự cân bằng quyền lực không chỉ đến từ phe đối lập, mà còn từ chính những người được cho là đồng minh.
Chính phủ của tân Thủ tướng Merz khởi đầu không phải như một liên minh đầy hứa hẹn. Các đảng trong liên minh này, thay vì hợp tác vì sự đồng thuận, đang duy trì quan hệ chỉ vì không ai muốn rơi vào khủng hoảng chính trị kéo dài. Đây là cấu trúc dễ bị đổ vỡ nếu các bên không thể dung hòa lợi ích trong các chính sách then chốt. SPD, với xu hướng bảo vệ các chương trình phúc lợi xã hội, sẽ khó lòng chấp nhận các biện pháp cắt giảm ngân sách mà CDU theo đuổi. Ngược lại, CDU vấp phải sự phản đối từ chính nội bộ khi phải nhượng bộ quá nhiều, đặc biệt trong các vấn đề như di cư hay tài khóa.
Ông Merz không phải là cái tên xa lạ bởi ông từng là đối thủ nặng ký của bà Merkel trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI. Ông rút lui khỏi chính trường gần hai thập kỷ trước khi quay trở lại với quyết tâm rõ ràng: phục hưng dòng bảo thủ truyền thống của CDU vốn phai nhạt dưới thời Merkel. Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch CDU, ông Merz từng bước đưa đảng này rời xa những ảnh hưởng trung dung của “Merkelism” với phong cách lãnh đạo thiên về hòa giải, chính sách mềm mại và gần gũi với trung tả. Thay vào đó, ông khôi phục luận điệu cứng rắn về nhập cư, an ninh, cải cách tài khóa và vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Đức trong EU. Với việc đắc cử thủ tướng, những quan điểm đó không còn nằm trên cương lĩnh mà bắt đầu chuyển thành chính sách thực tế.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra với chính phủ kế nhiệm rõ ràng là phải khôi phục lại niềm tin của dân chúng trong bối cảnh kinh tế Đức đang vật lộn với tăng trưởng ì ạch, với dự báo GDP chỉ tăng 0,3% năm 2025, thậm chí có thể thấp hơn. Không chỉ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như bất ổn địa chính trị hay dịch bệnh, kinh tế Đức còn đối mặt với những vấn đề nội tại trầm trọng, từ chi phí năng lượng cao, năng suất lao động giảm sút, cho đến niềm tin suy yếu từ cả doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, kiểm soát lạm phát trên mức 2,5% sẽ là thử thách lớn. Mức lạm phát này tiếp tục ảnh hưởng sức mua và tiêu dùng, tạo thêm áp lực cho nền kinh tế vốn đã yếu ớt. Bên cạnh đó, vấn đề di cư và sự phân cực xã hội sẽ khiến chính phủ mới khó duy trì sự ủng hộ nếu không có giải pháp rõ ràng.
Về đối ngoại, ông Merz khẳng định lập trường cứng rắn, đặc biệt với Nga. Tuy nhiên, chính sách này có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với Mỹ, nhất là khi Tổng thống Donald Trump theo đuổi chiến lược đối ngoại khác, với động thái cải thiện quan hệ với Moscow và giải quyết xung đột Ukraine.
HÙNG LÂM
Nguồn: Báo Đà Nẵng