Chỉ 27% rác nhựa được tái chế mỗi năm
Sáng 4/7, tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, ngành giáo dục tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2025.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa mỗi năm nhưng chỉ khoảng 27% trong số đó được tái chế. Phần còn lại đang là gánh nặng cho môi trường, đòi hỏi chúng ta phải hành động cấp thiết và thực chất.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2025.
Trong bối cảnh đó, giáo dục đóng vai trò then chốt. Ngành Giáo dục hiện có hơn 25 triệu học sinh, sinh viên và 1,3 triệu giáo viên, giảng viên, một lực lượng đông đảo có thể tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hình thành lối sống có trách nhiệm với môi trường.
Những năm qua, các nội dung về giáo dục môi trường, biển đảo, biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học đã được đưa vào chương trình học và hoạt động ngoại khóa.
Các phong trào như: “Trường học không rác thải nhựa”, “Xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp”, các chiến dịch thu gom, phân loại rác, trồng cây… được triển khai rộng khắp.

Sinh viên các trường tại Đà Nẵng hưởng ứng lễ phát động bằng các khẩu hiệu “Chống ô nhiễm nhựa”, “Trường học xanh”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh truyền thông bảo vệ môi trường bằng công nghệ hiện đại, các hình thức sinh động như: video, infographic, diễn đàn, tọa đàm học sinh – sinh viên.
Đồng thời, cần đưa giáo dục môi trường vào thực tiễn học đường, lan tỏa từ bài học đến hành động cụ thể, như: không dùng túi ni lông, đồ nhựa một lần, ưu tiên sản phẩm tái chế…
Giáo dục xanh cho tương lai bền vững
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng, khẳng định, Đà Nẵng ý thức rất rõ về tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm rác thải nhựa đối với hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đô thị.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi chia sẻ định hướng phát triển thành phố môi trường.
Từ nhiều năm nay, địa phương này đã xác định chiến lược phát triển thành “thành phố môi trường” là trụ cột trong định hướng phát triển đô thị.
“Thành phố ưu tiên quy hoạch không gian xanh, đầu tư hạ tầng xử lý rác, phát động phong trào nói không với nhựa dùng một lần, khuyến khích kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng bền vững. Gần đây, Đà Nẵng đã cam kết cùng các thành phố ven biển Đông Nam Á thực hiện sáng kiến “Clean and Green Cities” để giảm 50% rác nhựa ra đại dương vào năm 2030″, bà Thi thông tin.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng kỳ vọng ngành giáo dục sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần này, và các em học sinh, sinh viên sẽ trở thành những “công dân sinh thái”, truyền cảm hứng hành động tới cộng đồng.
Ngoài ra, bà Thi khẳng định, trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các trường đại học, các tổ chức giáo dục và cộng đồng trong việc triển khai các sáng kiến môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng đến xây dựng một xã hội học tập công bằng, bền vững.

Ông Võ Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, ông Võ Văn Minh, cho biết, trường đang tích cực triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua nghiên cứu, lồng ghép giáo dục xanh vào chương trình đào tạo, phát động phong trào hành động xanh trong toàn trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chia sẻ thêm, tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (SEAMEO) vừa tổ chức tại Brunei, các quốc gia Đông Nam Á, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đã thống nhất đưa “giáo dục xanh và bền vững” trở thành trụ cột của phát triển giáo dục.
Trong đó, xây dựng trường học xanh, gắn kết nhà trường với cộng đồng và hình thành văn hóa bảo vệ môi trường được xác định là nền tảng then chốt.
Việt Nam cũng đang thực hiện các cam kết quốc tế, như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu tại COP26.
Ngành Giáo dục được kỳ vọng đi đầu trong hiện thực hóa các cam kết này, thông qua giáo dục thế hệ trẻ ý thức, trách nhiệm và hành động vì tương lai xanh – sạch – bền vững của đất nước.
Nguồn: Người Đưa Tin