Thủ tướng chỉ đạo thí điểm cấp phép Internet vệ tinh Starlink
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 8 mong muốn, đề nghị khi chủ trì cuộc tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ ngày 1-3.
![]() |
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại cuộc tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ ngày 1-3. Ảnh: VGP |
Theo Báo Chính phủ, phát biểu kết luận tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại tọa đàm, khẩn trương trình ban hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành, cơ quan triển khai để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Mỹ, phát huy vai trò của các doanh nghiệp trên tinh thần nhà nước kiến tạo, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương thực hiện việc thí điểm cấp phép Internet vệ tinh Starlink; Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc trực tiếp, khuyến khích FedEx đầu tư xây dựng kho hàng hóa, chuyển phát nhanh tại khu vực sân bay Long Thành (Đồng Nai) và cả sân bay Chu Lai (Quảng Nam), sân bay Gia Bình (Bắc Ninh)…
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh nhiều hơn nữa với Việt Nam.
Nêu một số mong muốn, đề nghị với các doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, trước hết là góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần cho sự phát triển của hai nước, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước; các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục hưởng ứng, tham gia thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững của Việt Nam, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Thứ hai, các doanh nghiệp Mỹ tăng cường hơn nữa đầu tư chất lượng cao, đặc biệt là chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành mới nổi như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, quang điện tử, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học… Thủ tướng Chính phủ mong các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là cứ điểm đầu tư lâu dài, với tầm nhìn 50 năm, 100 năm.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hệ sinh thái, chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Mỹ, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tăng cường tư vấn, góp ý chính sách, xây dựng, hoàn thiện thể chế, quản trị thông minh từ thực tiễn Mỹ là nước phát triển, nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thứ năm, có tiếng nói với chính quyền Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao và công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường,
Thứ sáu, cơ quan đại diện thương mại Mỹ đang lấy ý kiến về chính sách thương mại của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp Mỹ từ thực tiễn hoạt động tại Việt Nam đóng góp ý kiến khách quan, phản ánh chân thực về môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện của Việt Nam, những nỗ lực và những kết quả cải cách tích cực theo hướng minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử, tuân thủ quy luật thị trường, ngày càng thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ổn định, lâu dài.
Thứ bảy, các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục kinh doanh đúng luật, cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp khác; tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, nhất là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, phát triển nhà ở xã hội.
Thứ tám, Thủ tướng Chính phủ mong muốn quan hệ giữa các doanh nghiệp Mỹ với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương Việt Nam ngày càng chặt chẽ, hiệu quả trên tinh thần chân thành, thân thiện, nếu có vướng mắc, những công việc, sáng kiến cùng có lợi cho hai bên thì trao đổi, chia sẻ ngay để tìm ra điểm chung.
Theo laodong.vn
Nguồn: Báo Đà Nẵng