Tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc

10 lượt xem - Đăng vào
Tổng thống Trump thừa nhận mức thuế quan với Trung Quốc sẽ giảm “nhưng không về mức 0”. TRONG ẢNH: Cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.  Ảnh: People’s Daily Online/Zhang Jingang

Tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ giảm mức thuế 145% áp với hàng hóa Trung Quốc, đánh dấu bước nhượng bộ đầu tiên trong căng thẳng thương mại khiến thị trường toàn cầu khởi sắc dù tiến trình đàm phán có thể còn nhiều trắc trở.

Tổng thống Trump thừa nhận mức thuế quan với Trung Quốc sẽ giảm “nhưng không về mức 0”. TRONG ẢNH: Cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.  Ảnh: People’s Daily Online/Zhang Jingang
Tổng thống Trump thừa nhận mức thuế quan với Trung Quốc sẽ giảm “nhưng không về mức 0”. TRONG ẢNH: Cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: People’s Daily Online/Zhang Jingang

Sau nhiều tuần giữ lập trường cứng rắn, ông Trump cuối cùng đã phát tín hiệu nhượng bộ khi tuyên bố vào ngày 22-4: “Mức thuế sẽ giảm đáng kể, nhưng không phải là zero”, theo The Guardian. Phát biểu này cho thấy điều chỉnh đáng kể trong chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump giữa lúc các biện pháp thuế quan cứng rắn gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu.

Lý do thay đổi

Tuyên bố được cho là tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng từ Tổng thống Trump được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thừa nhận tình trạng hiện tại là “không bền vững” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Không ai nghĩ mức thuế 145% và 125% là có thể duy trì lâu dài. Tôi cho rằng trong tương lai rất gần, sẽ có sự giảm căng thẳng”, Financial Times dẫn phát biểu của ông Bessent tại sự kiện gần đây.

Ngay sau phát ngôn này, thị trường tài chính toàn cầu ghi nhận tín hiệu tích cực. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng 2,5%. Các sàn giao dịch châu Á cũng phản ứng mạnh với các chỉ số Hang Seng (Hong Kong- Trung Quốc) tăng 2,5%, Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng gần 2%, và Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,5%. Ông Chris Weston, chuyên gia tại Pepperstone, nhận định với Reuters: “Dù còn sớm nhưng tâm lý thị trường rõ ràng đang thay đổi”.

Dù vậy, chính quyền của ông Trump vẫn giữ giọng điệu thận trọng. Khi được hỏi về nhận xét của Bộ trưởng Bessent, ông Trump không xác nhận trực tiếp mà chỉ nói: “Chúng tôi đang làm tốt với Trung Quốc”, theo AP. Sau đó, ông chuyển sang tông giọng hòa giải hơn, tuyên bố sẽ “rất tử tế” với Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, cho tới nay các phản ứng với chính sách thuế quan của Washington đã được thể hiện rõ rệt. Bắc Kinh đáp trả bằng việc áp thuế 125% lên hàng Mỹ, giới hạn phim Hollywood chiếu tại thị trường trong nước và trả lại ít nhất 2 máy bay Boeing, theo CNN. Ngoài ra, nhiều công ty Mỹ bị đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu cùng với các biện pháp hạn chế khoáng sản thiết yếu dùng cho sản phẩm công nghệ và quốc phòng.

Trên mạng xã hội Weibo, tuyên bố hạ nhiệt mới nhất của ông Trump nhanh chóng trở thành xu hướng. Trong khi đó tờ Cailian của Trung Quốc mô tả đây là “dấu hiệu cho thấy ông Trump đang mềm hóa lập trường thuế quan đặc trưng”.

Còn nhiều biến số

Dù đã có tín hiệu hạ nhiệt, con đường đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cơ bản vẫn còn nhiều bất định. Bloomberg dẫn quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thừa nhận đây sẽ là “quá trình khó khăn” và thỏa thuận toàn diện có thể cần 2 -3 năm để đạt được.

Một trong những rào cản lớn là yêu cầu từ phía Trung Quốc về sự tôn trọng và cách tiếp cận “có đi có lại” từ Washington. CNN dẫn một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại nếu các điều kiện này được đáp ứng. Chuyên gia Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis, nhận định: “Ông Trump đang hoảng loạn do thị trường lao dốc và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn còn rất cao. Ông ấy cần thỏa thuận nhanh chóng”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho hầu hết các quốc gia do tác động của thuế quan. Theo Reuters, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống còn mức 2,8% trong năm nay, thấp hơn nửa điểm phần trăm so với dự báo trước đó và đây là sự suy giảm đáng kể. IMF cho rằng tăng trưởng toàn cầu có khả năng phục hồi nhẹ lên mức 3% năm 2026, do đó tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong hai năm liên tiếp thấp hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn 3,7%. Tiến trình đưa lạm phát vào tầm kiểm soát cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Những tín hiệu tích cực
Theo Bloomberg, Trung Quốc đã cử Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Pan Gonsheng, Phó Thống đốc Xuan Changneng và Bộ trưởng Tài chính Lan Fo’an đến Washington để tham dự các cuộc họp của Nhóm Ngân hàng Thế giới và IMF. Điều này có thể tạo cơ hội cho các quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ trao đổi quan điểm và mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại. Ông Henry Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, nhận định với Bloomberg rằng việc Trung Quốc bổ nhiệm ông Li Chenggang làm phó bộ trưởng thương mại và đặc phái viên thương mại cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng đối thoại. Cùng với tín hiệu mới từ Washington, đây có thể là bước chuyển sang giai đoạn hợp lý hơn trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 − 1 =