Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – Bài cuối: Thu hút đầu tư, tạo dư địa tăng trưởng mới

15 lượt xem - Đăng vào
Ngày 29-3, Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong khánh thành Trung tâm phân phối Con Ong (Bee Distribution Center) với tổng diện tích hơn 26.000m2 tại lô H3, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – Bài cuối: Thu hút đầu tư, tạo dư địa tăng trưởng mới

.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, công tác thu hút đầu tư của thành phố cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhất là công nghiệp công nghệ cao. Qua kết quả đạt được trong quý 1, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số năm 2025.

Ngày 29-3, Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong khánh thành Trung tâm phân phối Con Ong (Bee Distribution Center) với tổng diện tích hơn 26.000m2 tại lô H3, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ
Ngày 29-3, Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong khánh thành Trung tâm phân phối Con Ong (Bee Distribution Center) với tổng diện tích hơn 26.000m2 tại lô H3, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Khánh thành nhiều trung tâm công nghệ cao

Ngày 27-3, hai trung tâm công nghệ cao cùng được khánh thành và động thổ khởi công, đánh dấu bước phát triển mới trong chiến lược chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thu hút đầu tư công nghệ cao tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Cụ thể, Tập đoàn FPT khai trương Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) về công nghệ cao và chip bán dẫn với tổng diện tích mặt bằng gần 3.000m2 tại tầng 8, tòa nhà ICT1 (Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2). Mục tiêu của trung tâm sẽ quy tụ 500 chuyên gia công nghệ làm việc vào năm 2025 và mở rộng trong tương lai. Tại đây sẽ nghiên cứu phát triển 100% sản phẩm của FPT, kỳ vọng trung bình mỗi năm sẽ có 10 sản phẩm mới ra đời.

Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cho biết, Trung tâm R&D đóng vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng, kiến tạo một hệ sinh thái kết nối cộng đồng khởi nghiệp, quy tụ các chuyên gia để cùng nhau nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ mang dấu ấn “Make in Vietnam – Make in Danang”, hướng tới mục tiêu góp phần đưa Đà Nẵng trở thành “thung lũng silicon” của Việt Nam và khu vực.

Việc thành lập Trung tâm R&D nhằm bước đầu cụ thể hóa cam kết hợp tác toàn diện của Sở Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn FPT được công bố vào tháng 1-2025, theo đó, hai bên hợp tác đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và nguồn lực trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. FPT cam kết đồng hành, đóng góp nguồn lực, đội ngũ chuyên gia, phương pháp luận tiên tiến và các giải pháp công nghệ để cùng Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Cùng ngày tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Công ty CP Trung tâm dữ liệu quốc tế Đà Nẵng tổ chức lễ động thổ Trung tâm dữ liệu với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 800 tỷ đồng, giai đoạn 2 dự kiến 1.200 tỷ đồng. Đây là 1 trong 4 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư trong khuôn khổ sự kiện “Diễn đàn các thành phố hữu nghị và hợp tác – Đà Nẵng 2025”.

Dự án được triển khai trên diện tích 2ha, tổng diện tích xây dựng 10.400m², tổng diện tích sàn 17.852m², số lượng tủ rack lên tới 1.000 rack (thiết bị lưu trữ và quản lý thiết bị điện tử tại các trung tâm dữ liệu). Tổng công suất tải 18,5 MW. Trung tâm được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế TIA-942C Rated-3 và Uptime Tier-3, bảo đảm vận hành ổn định, an toàn và hiệu suất cao. Đây là dự án có quy mô về số rack lớn nhất trên địa bàn thành phố tới nay, bước đầu hình thành Trung tâm dữ liệu cấp vùng và Trung tâm dữ liệu quy mô khu vực tại Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trung tâm dữ liệu quốc tế Đà Nẵng cho hay, chỉ trong 6 tháng từ khi nộp hồ sơ (tháng 9-2024) đến nay dự án chính thức khởi động, trong đó thời gian nộp hồ sơ đến khi dự án được phê duyệt trong 3 tháng. Điều này thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ trong thu hút đầu tư của thành phố bằng việc tinh gọn thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh triển khai các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Ông Dũng bày tỏ tin tưởng dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành một hệ sinh thái công nghệ hiện đại, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dữ liệu và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực miền Trung và cả nước.

Vào ngày 29-3, Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong khánh thành Trung tâm phân phối Con Ong (Bee Distribution Center) với tổng diện tích hơn 26.000m2 tại lô H3, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Kết cấu trung tâm gồm 3 loại kho: kho lạnh, kho phân phối và kho phức hợp, đáp ứng đa dạng nhu cầu lưu trữ hàng hóa. Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ đạt mức luân chuyển hàng hóa thiết kế trung bình 540.000m3/năm hoặc 378.000 tấn/năm.

Trung tâm được trang bị hệ thống quản lý kho thông minh (WMS) và hệ thống quản lý vận tải (TMS), tích hợp máy quét mã vạch và công nghệ tự động để tối ưu hóa quy trình vận hành, đồng thời ứng dụng hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nhằm giảm thiểu khí thải, hướng tới tiêu chuẩn công trình xanh. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 06:2022/BXD của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, bảo đảm an toàn tối đa cho hàng hóa và cơ sở hạ tầng.

Triển khai đồng bộ giải pháp

Có thể thấy, nhiều hạ tầng công nghiệp quan trọng được khánh thành, khởi công trong quý 1 tạo không khí sôi động trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội quý 1 của UBND thành phố, hoạt động đầu tư có chuyển biến tích cực, thu hút đầu tư trong nước tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ.

Tính từ ngày 1-1 đến 31-3-2025, thành phố thu hút được 14.655 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 33,93 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó: thu hút đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin đạt 8.240 tỷ đồng vốn trong nước và 1,7 triệu USD vốn FDI; thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin đạt 6.395 tỷ đồng vốn trong nước và 32,2 triệu USD vốn FDI.

Các kết quả trong thu hút đầu tư và tăng trưởng GRDP quý 1-2025 (tăng 11,36% so với cùng kỳ năm 2024) bước đầu cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất – xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng nội địa của thành phố khi triển khai thực hiện hàng loạt các nghị quyết, kết luận và văn bản chỉ đạo của Trung ương.

TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kiểm toán – Thẩm định giá và Tư vấn ECOVIS AFA Việt Nam nhìn nhận, kết quả khả quan của Đà Nẵng là nhờ sự chỉ đạo của Trung ương về định hướng phát triển quốc gia, tạo động lực lớn cho chính quyền địa phương hành động. Đà Nẵng có thuận lợi với cơ cấu dịch vụ chiếm ưu thế, đặc biệt là du lịch và một số lĩnh vực khác đang phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, thuế từ kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ khác vẫn chưa được khai thác triệt để, là nguồn lực bổ sung quan trọng cho dư địa khai thác thuế quan. Để duy trì và vượt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% cho năm 2025, TS. Nguyễn Trọng Hiếu đề xuất thành phố tiếp tục phát huy những ngành thế mạnh và đóng góp nhiều vào GRDP của thành phố, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm để phục vụ phát triển lâu dài như cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa, và ga đường sắt cao tốc đi qua Đà Nẫng được xem là động lực chính để thúc đẩy logistics, du lịch, và kết nối vùng.

Bên cạnh đó, việc hoàn thành các dự án hạ tầng phục vụ khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu có thể giúp Đà Nẵng thu hút FDI vào logistics và dịch vụ, giảm phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu hiện tại. Trong bối cảnh các chính sách thuế quan trên thị trường thế giới thay đổi liên tục, thành phố cần quan tâm để thúc đẩy công nghiệp hóa theo chiều sâu, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường nội địa hóa nguyên liệu, cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất nhằm giảm giá thành, duy trì sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. 

Tương tự, PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đề xuất, việc nhanh chóng hoàn thành tổ chức lại bộ máy và vận hành thông suốt là yếu tố quan trọng để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Song song, thành phố cần có các chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân, khai thác “kinh tế hộ” để dần tạo tính bền vững trong dân cư, khơi thông nguồn lực, đặc biệt là các dự án còn vướng mắc trên địa bàn toàn thành phố. Thành phố cần khai thác cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng chiến lược và mục tiêu phù hợp với tình hình và điều kiện mới.

Về các giải pháp cụ thể, cần hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trọng yếu; tập trung thu hút nguồn khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp các khu vực kinh tế đóng góp lớn vào GRDP nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách; nhanh chóng phát triển trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút nguồn lực (nhân lực, nhân tài, vốn…) cho trung tâm tài chính; chuẩn bị và nhanh chóng thực hiện các dự án hạ tầng bằng đầu tư công nhất là hạ tầng kết nối; hoàn thiện hạ tầng xã hội, phát huy vai trò trung tâm dịch vụ chất lượng cao của Đà Nẵng, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy phát triển trên địa bàn các vùng phía nam và tây nam thành phố.

Trong khi đó, theo nghiên cứu sinh TS Võ An Hải, giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh (Trường Đại học FPT Đà Nẵng) cho rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch và rút ngắn quy trình cấp phép, song song với triển khai nền tảng số hóa để kết nối doanh nghiệp và chính quyền hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị nhà nước, doanh nghiệp và đời sống người dân, xây dựng hệ sinh thái thành phố thông minh gắn với dịch vụ công hiệu quả, minh bạch.

Song song với chính sách và đầu tư, yếu tố con người là nền tảng quyết định tăng trưởng bền vững, do đó, thành phố cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực số hóa, kỹ thuật, dịch vụ, tài chính; tạo sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đào tạo gắn với nhu cầu thực tế.

MAI QUẾ

;
;
Tin liên quan
    .
  • Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
  • Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – Bài 2: Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 5 =