Trung Quốc đưa ra điều kiện đàm phán thương mại với Mỹ
Giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang leo thang với các mức thuế kỷ lục, Trung Quốc bất ngờ phát tín hiệu sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đưa ra một loạt điều kiện tiên quyết nhằm thiết lập sự tôn trọng và ổn định trong mối quan hệ song phương.
![]() |
Tổng lượng hàng hóa qua cảng của Trung Quốc đạt 1,76 tỷ tấn vào năm 2024, với lượng container đạt 330 triệu đơn vị, duy trì vị thế là số 1 thế giới. TRONG ẢNH: Cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Ảnh: VCG |
Theo Bloomberg ngày 16-4, Trung Quốc sẵn sàng tham gia đàm phán thương mại với Mỹ, với điều kiện tiên quyết quan trọng nhất là các cuộc đàm phán đó sẽ được tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Tiếp theo là yêu cầu về lập trường nhất quán của Mỹ về các vấn đề thương mại, bởi Trung Quốc muốn chắc chắn rằng đối tác bên kia bàn đàm phán không có động thái “đổi giọng” liên tục.
Ngoài ra, Washington cần thể hiện thiện chí giải quyết các mối quan ngại của Bắc Kinh liên quan đến các lệnh trừng phạt khi họ cho rằng các chính sách của Mỹ được ban hành để kiềm chế và ngăn chặn quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc. Và điều không kém phần quan trọng đó là Trung Quốc cũng muốn phía Mỹ chỉ định một đại diện cụ thể tham gia đàm phán, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ và có khả năng chuẩn bị thỏa thuận để lãnh đạo hai nước ký kết tại cuộc gặp thượng đỉnh ý nghĩa trong tương lai.
“Trung Quốc đang đưa ra thông điệp rằng họ sẵn sàng hợp tác, nhưng không chấp nhận bị đặt vào thế yếu. Đây là bước đi chiến lược: họ tỏ rõ lập trường, song vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán”, Giáo sư Scott Kennedy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định với The Times of India. Cùng quan điểm, bà Wendy Cutler, cựu Phó đại diện Thương mại Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Asia Society Policy Institute, cho rằng: “Việc Trung Quốc yêu cầu chính sách nhất quán và người đàm phán có quyền lực thực sự là hoàn toàn hợp lý. Trong quá khứ, các vòng đàm phán thường thất bại vì thiếu sự cam kết chính trị từ phía Mỹ”.
Cùng ngày, trước việc Nhà Trắng tuyên bố hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ phải chịu thuế quan tổng cộng 245%, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm, khẳng định: “Cuộc chiến thuế quan và thương mại không có người thắng. Trung Quốc không mong muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không sợ điều đó”. Trung Quốc cho biết việc Mỹ tiếp tục áp thêm thuế không còn mang lại ý nghĩa kinh tế nữa. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định: “Việc Washington liên tục sử dụng các mức thuế cao quá mức đã trở thành trò chơi con số, không còn ý nghĩa kinh tế”. Theo quan chức Trung Quốc, nếu Mỹ thật sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, họ cần từ bỏ cách tiếp cận gây áp lực cực đoan và tham gia đối thoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi.
Trả lời các câu hỏi của giới truyền thông về khả năng Trung Quốc sẽ triệu tập cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) tuần tới về chính sách thuế quan của Mỹ, ông Lâm Kiếm ngày 17-4 cho biết: “Chúng tôi ủng hộ cộng đồng quốc tế trong việc tận dụng các nền tảng khác nhau, bao gồm Hội đồng Bảo an, để thúc đẩy thảo luận, hiểu sâu hơn về nguy cơ của chủ nghĩa đơn phương, tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và các mục đích, nguyên tắc của Hiến chương LHQ, xây dựng sự đồng thuận về tăng cường vai trò của LHQ , bảo vệ quyền và lợi ích phát triển hợp pháp của tất cả quốc gia”.
Trong động thái mới nhất, ngày 16-4, Chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm ông Lý Thành Cương, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), làm trưởng đoàn đàm phán thương mại. Đây là vị trí có vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào nhằm giải quyết cuộc chiến thuế quan đang leo thang. Quan chức Trung Quốc cho rằng việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ gây ra một số áp lực đối với thương mại và nền kinh tế nước này trong ngắn hạn, nhưng sẽ không làm thay đổi quỹ đạo tích cực dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những diễn biến trên có thể thấy động thái của Trung Quốc vừa thể hiện thiện chí, vừa là răn đe mềm. Bắc Kinh muốn đàm phán, nhưng không muốn bị dẫn dắt. Họ cần cuộc cạnh tranh sòng phẳng, nơi tiếng nói của mình được lắng nghe. Câu hỏi giờ đây là: liệu Washington có sẵn sàng bước vào ván cờ mới với tinh thần tôn trọng và đối thoại?
Ở góc nhìn khác, theo các chuyên gia, chính sách thuế quan “bất thường” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra những diễn biến khó lường trên bàn cờ kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Bình luận với koreatimes.co.kr ngày 16-4, Giáo sư kinh tế Nancy Qian tại Đại học Northwestern, cho rằng các quyết sách của ông Trump vô tình đẩy Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) xích lại gần nhau hơn, tạo ra mối liên kết bất ngờ trước áp lực từ Mỹ.
THƯ LÊ
Nguồn: Báo Đà Nẵng