USD “lung lay” và sự chuyển mình của tiền tệ toàn cầu
Chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới, có thể tạo nguy cơ đe dọa đối với vị thế thống trị toàn cầu trong nhiều thập kỷ của đồng USD, đồng thời mở ra cơ hội tái cấu trúc cho hệ thống tài chính thế giới.
![]() |
Phố Wall bị bất ngờ khi đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt sau thông tin về thuế quan trong tháng 4-2025 của chính quyền Tổng thống Trump. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Khi Tổng thống Trump công bố loạt biện pháp thuế quan mới trong tháng 4-2025, thị trường chứng kiến phản ứng bất thường từ đồng USD: thay vì tăng giá như thường thấy trong thời kỳ bất ổn, nó lại lao dốc mạnh.
“Đặc quyền” đang lung lay
Theo Financial Times (FT), chỉ trong một tuần sau khi ông Trump tuyên bố loạt thuế quan mới vào ngày 2-4, chỉ số DXY, thước đo sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt, giảm tới 2,8%, đánh dấu tuần tồi tệ thứ bảy trong ba thập kỷ. Đà trượt này chưa dừng lại khi mức giảm từ đầu năm đến nay lên tới 8,2%. Đây không chỉ là cú trượt kỹ thuật, nó phản ánh sự thay đổi trong tâm lý toàn cầu. Ngày càng nhiều nhà đầu tư bắt đầu nghiêm túc đặt câu hỏi: Liệu vai trò “độc tôn” của đồng USD trong hệ thống tiền tệ toàn cầu có đang đến hồi kết?
Trong nhiều thập kỷ, đồng USD giữ vị thế thống trị hệ thống tài chính toàn cầu với những con số ấn tượng: hơn 57% dự trữ ngoại hối chính thức toàn cầu được giữ bằng USD, dù Mỹ chỉ chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế thế giới, theo FT. Ngoài ra, 54% hóa đơn xuất khẩu, khoảng 60% các khoản vay và tiền gửi quốc tế, 70% trái phiếu quốc tế và tới 88% giao dịch ngoại hối đều gắn với đồng tiền này.
Thế nhưng, “đặc quyền quá đáng” này (cách gọi của cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing) đang đối mặt với sức ép nghiêm trọng. Ông Gregory Peters, đồng Giám đốc đầu tư tại PGIM Fixed Income nhận định với FT, “Mỹ đã được hưởng lợi từ vai trò tiền tệ dự trữ suốt một thế kỷ. Và chỉ chưa đầy 100 ngày để phá hủy điều đó. Đây là một vấn đề rất lớn”. Ngay cả Goldman Sachs cũng đưa ra dự báo u ám: đồng USD sẽ rớt xuống 1,20 USD/Euro và 135 Yên/USD trong 12 tháng tới, tức giảm thêm 6% so với hiện tại. Các chuyên gia của Goldman cảnh báo: “Những xu hướng tiêu cực trong quản trị và thể chế của Mỹ đang làm xói mòn đặc quyền quá đáng mà các tài sản Mỹ từng được hưởng”.
Một chỉ dấu đáng lo khác đã được FT chỉ ra: theo chuyên gia Torsten Sløk của Apollo, người nước ngoài hiện nắm giữ 19.000 tỷ USD cổ phiếu Mỹ, 7.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc, và 5.000 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp Mỹ. Nếu chỉ một phần nhỏ trong số đó bắt đầu rút vốn, áp lực lên giá trị đồng USD sẽ là không nhỏ và có thể kéo dài.
Chuyển động tái cân bằng tiền tệ toàn cầu
Đằng sau đà suy yếu của đồng USD là bức tranh rộng lớn khác: thế giới đang tìm kiếm trật tự tiền tệ cân bằng hơn. Stephen Jen, chiến lược gia ngoại hối kỳ cựu, đồng thời là lãnh đạo của tổ chức Eurizon SLJ Capital, ước tính đồng USD đang được định giá cao hơn khoảng 19% so với các đồng tiền chính khác, theo FT. Ông cho rằng nhiều bất hợp lý trong kinh tế vĩ mô như thu nhập trung bình tại bang nghèo nhất nước Mỹ, Mississippi, vẫn tương đương Đức và Anh, và cao hơn đáng kể Nhật Bản, là hệ quả của một đồng tiền bị định giá quá cao.
The Wall Street Journal cũng chỉ ra việc các nhà quản lý tài sản toàn cầu, vốn “thiên vị mạnh vào tài sản Mỹ” trong suốt nhiều năm, đang chịu áp lực tìm kiếm nguồn lợi nhuận mới. Ông Luca Paolini, chiến lược gia trưởng tại Pictet Asset Management (Thụy Sĩ), cho biết: “Chúng tôi đang làm việc trên giả định rằng trong 5 năm tới, đồng USD sẽ tiếp tục giảm thêm 10-15%”.
Dù vậy, phần lớn chuyên gia cho rằng vai trò dự trữ của USD chưa thể bị thay thế trong tương lai gần. Ông Mark Sobel từ OMFIF nhận định: “Sự thống trị của đồng tiền này vẫn sẽ tiếp diễn, đơn giản vì không có lựa chọn thay thế khả thi”. Ông nghi ngờ khả năng châu Âu có thể thống nhất đủ sức mạnh. Trong khi đó Trung Quốc đang từng bước thúc đẩy thương mại dầu mỏ bằng Nhân dân tệ, còn Nga và Iran cân nhắc phát hành đồng tiền số được hỗ trợ bằng vàng, theo The New York Times (NYT). Những động thái này phản ánh xu hướng rộng hơn: các ngân hàng trung ương đang đa dạng hóa dự trữ ngoại hối chứ không nhất thiết hướng tới “ứng viên thay thế” cho USD, mà nghiêng về các loại tiền tệ nhỏ hơn, theo phân tích của nhà kinh tế học Barry Eichengreen.
Theo tác giả Paul Krugman viết trên NYT, vai trò của USD giống với tiếng Anh: một vị thế được duy trì nhờ hiệu ứng mạng lưới và tập quán thể chế. Việc hóa đơn toàn cầu bằng USD tạo ra nhu cầu với tài sản định danh bằng USD khiến việc vay bằng USD rẻ hơn và càng khuyến khích việc lập hóa đơn bằng đồng tiền này, như phân tích của 2 chuyên gia kinh tế Gita Gopinath và Jeremy Stein. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa chính sách bảo hộ thương mại, sự nổi lên của công nghệ tiền tệ số và chuyển dịch quyền lực kinh tế toàn cầu đang đẩy USD vào môi trường cạnh tranh chưa từng có. Ông Walter Wriston, từng làm CEO của Tập đoàn Citicorp, từng nói: “Vốn sẽ chảy đến nơi nó được chào đón và ở lại nơi nó được đối xử tốt”. Vai trò dự trữ của đồng USD có thể vẫn tiếp tục trong ngắn hạn, nhưng thế giới đang dần chuẩn bị cho tương lai nơi quyền lực của USD không còn là điều hiển nhiên. |
TRẦN ĐẮC LUÂN
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Phường mới hoạt động thông suốt sau sắp xếp bộ máy
- Các đối tượng được hưởng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng
- Con đường nào để đất nước phát triển sang kỷ nguyên giàu mạnh
- Chủ tịch UBND thành phố dự ngày hội toàn dân chào mừng 50 năm ngày quê hương giải phóng
- Nhiều hoạt động hấp dẫn ở hai bờ sông Hàn trong năm 2025