Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đại thắng mùa Xuân năm 1975
ĐNO – Thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã khẳng định vai trò quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam – bộ tham mưu của cách mạng, trong việc tìm đáp số cho những bài toán chiến lược đặt ra mà không có sẵn câu trả lời. Trong thắng lợi chung đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vai trò Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam có những cống hiến to lớn.
Xác định phương châm và phương thức chiến tranh phù hợp
Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa III) diễn ra từ ngày 19-6 đến ngày 4-10-1973 đã đánh giá thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đề ra nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Đảng ta chỉ rõ phương châm tiếp tục giữ vững tư tưởng chiến lược tiến công, căn cứ tình hình cụ thể của từng thời kỳ, từng vùng, thậm chí từng cuộc đấu tranh mà vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh; giữ vững và phát triển lực lượng về mọi mặt, làm tan rã và suy yếu từng mảng lớn lực lượng quân sự, chính trị của địch, tạo ra những chuyển biến to lớn về so sánh lực lượng, về cục diện chiến trường có lợi cho ta.
Quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 21 về mặt quân sự, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức Hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 3-1974, đề ra chủ trương kiên quyết phản công và tiến công địch, vận dụng linh hoạt phương châm và phương thức đấu tranh trên cả ba vùng chiến lược.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp biện luận: “Chiến tranh có quy luật riêng, tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong một cuộc cách mạng cũng có quy luật riêng. Khi quân ngụy còn đông trên dưới một triệu, được trang bị hiện đại mà huy động quần chúng khởi nghĩa thì quần chúng bị đàn áp. Vì vậy, phải có đòn tiến công quân sự đi trước, tiêu diệt lực lượng chiến lược của địch thì mới giúp sức cho nhân dân tổ chức nổi dậy được”.
Từ quan điểm này, Đại tướng cùng với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo, lãnh đạo từng bước hoàn thiện kế hoạch giải phóng miền Nam, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975) nhận định: Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến và quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976; trong đó, năm 1975 tạo tiền đề để năm 1976 tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.
Từ đầu năm 1974, Quân giải phóng mở nhiều cuộc tiến công và giành thắng lợi quyết định như bao vây bức rút căn cứ quân sự Tống Lê Chân ngày 11-4-1974; chiến thắng Đắk Pét ngày 16-5-1974, tiêu diệt chi khu quân sự Thượng Đức (8-1974) góp phần khai thông tuyến đường vận tải chiến lược Đông Trường Sơn áp sát các chiến trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận sự chi viện mạnh mẽ, liên tục từ hậu phương miền Bắc cho các chiến trường.
Xuất phát từ thực tiễn chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hình thành phương châm tác chiến phù hợp, đó là, “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chỗ yếu trước, chỗ mạnh sau”. Từ tư tưởng quân sự đó, Đại tướng lập mưu, cài thế chiến lược. Những năm 1973, 1974, mưu kế chiến lược của Đại tướng là bày ra một hình thế dàn trận chiến lược- bày binh bố trận nhằm gim địch ở hai đầu, Nam Bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế – Đà Nẵng bằng cách đưa Quân đoàn 4 vào bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào Huế buộc địch đưa lực lượng tinh nhuệ đối phó, để địch sơ hở, tạo thế phá vỡ Tây Nguyên.
Chủ động tạo thời cơ và nhanh chóng nắm bắt thời cơ
Để thực hiện quyết tâm chiến lược, vấn đề đặt ra lúc này là phải chọn hướng mở màn “đòn chiến lược then chốt” ở đâu, để chia cắt, cô lập, tạo đột biến, chuyển hóa thế trận có lợi cho ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có quá trình trăn trở, phân tích một cách khoa học tình hình thực tiễn để lựa chọn hướng tiến công chủ yếu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Nhận thức vị trí chiến lược của Tây Nguyên, đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Tổng Tư lệnh đã bố trí lực lượng đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên rất lớn gồm năm sư đoàn bộ binh, bốn trung đoàn bộ binh độc lập, 1 tiểu đoàn bộ binh số 21, 1 trung đoàn đặc công 198 và hai tiểu đoàn đặc công, hai trung đoàn pháo binh, ba trung đoàn phòng không, trung đoàn Tăng- Thiết giáp 273, hai trung đoàn công binh, trung đoàn thông tin 29, trung đoàn ô-tô vận tải và lực lượng vũ trang các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Đức.
Như vậy, chưa bao giờ lực lượng Quân giải phóng của ta mạnh như lúc này; so sánh lực lượng ta mạnh hơn hẳn địch. Vị trí chiến lược, so sánh lực lương trên địa bàn Tây Nguyên là cơ sở về thế và lực để Bộ Tổng tư lệnh chọn Tây Nguyên “mở màn đòn chiến lược then chốt”.
Với nhãn quan của một nhà chiến lược quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham khảo ý kiến của Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên (B3) và đi đến kết luận: khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi sơ hở nhất.
Do nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch nên quân chiếm đóng của chúng ở đây không bị đối mặt trực tiếp với quân ta như ở Kon Tum, việc bố phòng cũng không chặt chẽ bằng Kon Tum. Đánh Buôn Ma Thuột, ta sẽ có khó khăn trong việc trinh sát nắm địch, nắm địa hình, vận chuyển vật chất hậu cần và cơ động tập kết, triển khai lực lượng, nhưng ta có khả năng khắc phục trong quá trình thực hiện chiến dịch.
Chủ trương mở chiến dịch Tây Nguyên là thể hiện sự chủ động tạo thời cơ, khi địch quyết địmh rút khỏi Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị chuyển cuộc tiến công chiến thành tổng tiến công và hạ quyết tâm giải phòng miền Nam trong năm 1975. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, ta chủ trương mở chiến dịch Huế – Đà Nẵng.
Ngay sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, các tỉnh Tây Nguyên và thắng lợi của chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng, từ giữa tháng 4, tình hình diễn biến hết sức mau lẹ, thời cơ cách mạng xuất hiện, Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn, hoàn thành giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Quán triệt chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đề ra phương châm chỉ đạo trong chiến dịch Hồ Chí Minh là: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến, quyết thắng”.
Để “Đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để”, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã xác định hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch là hướng Bắc và Tây Bắc, trong đó hướng Tây Bắc là chủ yếu nhất. Hướng Đông và Tây Nam là những hướng hiểm yếu và quan trọng.
5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Dinh Độc Lập. Như vậy, việc tạo ra thời cơ, nắm bắt và sử dụng thời cơ góp phần vào thắng lợi chung trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến chiến lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ trương đúng, chỉ đạo kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa
Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Đảng: “vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang giữ”.
Việc chủ trương giải phóng các đảo, quần đảo trên Biển Đông theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là sự kiện đặc biệt diễn ra ngoài kế hoạch ban đầu, nhưng là một quyết định nhạy bén, sáng suốt thể hiện tầm nhìn chiến lược về tầm quan trọng chiến lược của biển, đảo.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo kịp thời và cụ thể việc giải phóng Trường Sa. Để có căn cứ khoa học cho những quyết sách về giải phóng biển đảo, Quân ủy Trung ương đã điều Chính ủy Quân chủng Hải quần về làm việc bên cạnh Bộ Tổng tham mưu để giúp theo dõi tình hình địch trên biển và các đảo, quần đảo.
Ngày 30- 3- 1975, thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký điện gửi các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân nêu rõ phải nhằm thời cơ thuận lợi nhất, hành động kịp thời để giải phóng quần đảo Trường Sa: “…Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ giao Khu ủy và Bộ tư lệnh B1 (Mật danh Quân khu V trong kháng chiến chống Mỹ- TG chú thích) nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo hiện do quân chính quyền miền Nam đang chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa”.
Ngày 2-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang gặp đồng chí Lê Trọng Tấn truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân và tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.
Không chỉ đưa ra chủ trương, kế hoạch tác chiến mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn chỉ đạo việc đánh chiếm các đảo phải làm đúng thời cơ.
Triển khai chiến dịch giải phóng các đảo và quần đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa là một nhiệm vụ khó khăn đối với lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam, để giành thắng lợi, Đại tướng chỉ đạo thực hiện phương châm tác chiến trên mặt trận Biển Đông được xác định phải theo tinh thần hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Khi được tin Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng quần đảo Trường Sa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi các đơn vị của Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân. Đồng thời chỉ thị cho cán bộ chiến sĩ Hải quân phải khẩn trương tổ chức phòng thủ, bảo vệ vững chắc các đảo. Việc giải phóng và làm chủ vùng biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa viết nên trang sử vàng chói lọi, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
PGS. TS TRƯƠNG MINH DỤC
(Học viện Chính trị khu vực III)
Nguồn: Báo Đà Nẵng