Vatican công bố di chúc của Giáo hoàng Francis
Vatican cũng cho biết Giáo hoàng Francis qua đời vì đột quỵ và suy tim.
![]() |
Giáo hoàng Francis. Ảnh: Xinhua |
Văn phòng báo chí Vatican thông tin tối 21-4, Giáo hoàng Francis qua đời vì một cơn đột quỵ, sau đó là suy tim vào sáng cùng ngày.
Tòa thánh cho biết, Giáo hoàng Francis qua đời cũng do những căn bệnh khác, bao gồm “một đợt suy hô hấp cấp tính trước đó”, tăng huyết áp động mạch và tiểu đường type II.
Thông cáo của Vatican công bố nguyên nhân Giáo hoàng Francis qua đời được Giám đốc Sở Y tế và Vệ sinh của Vatican Andrea Arcangeli ký.
Đầu năm nay, Giáo hoàng Francis nhập viện 5 tuần vì bị nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. Sau đó, ông được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng đa vi khuẩn, tiến triển thành viêm phổi ở cả 2 lá phổi.
Theo nhóm bác sĩ, Giáo hoàng Francis đã cận kề cửa tử trong thời gian nằm viện. Các bác sĩ cho biết, Giáo hoàng Francis bị bệnh nặng đến mức các nhân viên đã cân nhắc đến việc ngừng điều trị để an tử.
Mặc dù sức khỏe không tốt, Giáo hoàng Francis, một trong những Giáo hoàng lớn tuổi nhất trong lịch sử giáo hội, đã nhiều lần xuất hiện trước công chúng tại Vatican trong Tuần Thánh, trong đó Giáo hoàng đã xuất hiện vào Chủ Nhật Phục Sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Rome.
Giáo hoàng Francis yêu cầu được chôn cất trong ngôi mộ đơn giản dưới lòng đất tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở Rome. Trên mộ sẽ khắc một chữ duy nhất – tên ngài bằng tiếng Latin.
“Ngôi mộ phải nằm trong lòng đất; đơn giản, không có đồ trang trí đặc biệt và chỉ có một dòng chữ: Franciscus” – Giáo hoàng Francis nêu trong di chúc được Vatican công bố.
Giáo hoàng Francis chọn chôn cất tại vương cung thánh đường vì ý nguyện cá nhân, lưu ý trong di chúc rằng ông thường xuyên cầu nguyện ở đó. Giáo hoàng Francis sẽ là Giáo hoàng đầu tiên được chôn cất bên ngoài Vatican sau hơn một thế kỷ.
Trong di chúc, Giáo hoàng Francis cũng cho biết đã sắp xếp để một nhà hảo tâm giấu tên chi trả chi phí chôn cất cho mình.
Tòa thánh Vatican đã niêm phong nơi ở chính thức của Giáo hoàng Francis, đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ để tang.
Trong video về hoạt động này, Hồng y Kevin Joseph Farrell – hồng y nhiếp chính – quan sát một nhân viên Vatican đặt một dải ruy băng đỏ lên cửa nơi ở của Giáo hoàng Francis, buộc chặt lại và dán con dấu sáp lên dải ruy băng. Sau đó, Hồng y Farrell kiểm tra con dấu và đảm bảo cửa đã được đóng chặt.
Ngôi nhà được niêm phong là Căn hộ Giáo hoàng tại Điện Tông đồ, nơi ở truyền thống của Giáo hoàng, không phải nơi Giáo hoàng Francis sở hữu. Theo Vatican, Giáo hoàng Francis sống tại Casa Santa Marta và nơi này cũng đã được niêm phong.
Việc niêm phong nơi ở của Giáo hoàng qua đời là một hành động mang tính biểu tượng nhằm ngăn chặn tình trạng cướp bóc nơi ở của Giáo hoàng.
Nghi lễ này cũng tượng trưng cho sự kết thúc chính thức giai đoạn do Giáo hoàng Francis đứng đầu giáo hội.
Theo laodong.vn
Nguồn: Báo Đà Nẵng