‘Về chung một nhà tạo đà phát triển’
Chỉ tính trong khoảng thời gian 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025), có hai lần các đơn vị hành chính cấp tỉnh trên “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” này “về chung một nhà tạo đà phát triển”.
![]() |
Đường ven biển nối thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: XUÂN TƯ |
Lần thứ nhất là khi chấp hành Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị khóa III về việc bỏ khu, hợp nhất tỉnh, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời khu Trung Trung Bộ ban hành Quyết định số 119/QĐ ngày 4-10-1975 về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đặt trung tâm chính trị-hành chính tại quận Nhất của đặc khu Quảng Đà.
Lần thứ hai dự kiến thời gian tới đây, khi cùng cả nước thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được hợp nhất thành thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại quận Hải Châu, với diện tích được xem là vượt trội hơn cả trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương (Hải Phòng sau hợp nhất hơn 3.100km², Hà Nội giữ nguyên trạng hơn 3.300km², Huế giữ nguyên trạng hơn 4.900km², Cần Thơ sau hợp nhất hơn 6.300km², Thành phố Hồ Chí Minh sau hợp nhất hơn 6.700km² và Đà Nẵng sau hợp nhất hơn 11.800km²).
“Về chung một nhà tạo đà phát triển” là cách nói mang màu sắc dân gian nhằm nhấn mạnh một trong các mục tiêu của công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay ở nước ta là mở rộng không gian phát triển, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, một hội nghị mang tính lịch sử: “Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế (…) bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa phù hợp cho phát triển đất nước”…
Thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất, trên Biển Đông không chỉ có huyện đảo Hoàng Sa mà còn có xã đảo Tân Hiệp và vùng núi phía tây rộng lớn… cũng là cách mở rộng không gian phát triển.
Xin nói thêm, là địa phương duy nhất được vua Minh Mạng cho đặt tảng đá sa thạch có khắc ba đại tự chữ Hán Vọng Hải Đài trên ngọn Thủy Sơn của Ngũ Hành Sơn bên bờ Biển Đông từ năm Đinh Dậu 1837 nhằm thể hiện tư duy đại dương và tầm nhìn hướng biển, cùng với cửa biển Đà Nẵng, địa danh được ghi trong thư tịch cổ từ thế kỷ XVI, từng nổi tiếng trong hoạt động ngoại thương với tư cách là tiền cảng của thương cảng quốc tế Hội An ở các thế kỷ XVII và XVIII, Đà Nẵng sau hợp nhất rất thuận lợi trong tiến trình mở rộng không gian phát triển về phía biển, phát huy lợi thế vượt trội về kinh tế biển với tư duy vọng-hải-đài (theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, có đến 21/34 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới là tỉnh duyên hải; nhiều tỉnh trước hợp nhất vốn không có biển, sau hợp nhất sẽ có điều kiện mở rộng không gian phát triển về phía biển).
Theo phân tích của một nhà nghiên cứu kinh tế trong bài viết đăng trên Nikkei Asia, tạp chí tin tức hằng tuần bằng tiếng Anh có trụ sở tại Nhật Bản, “với ít ranh giới tỉnh hơn, thay vì 44%, hiện tại đã có hơn 60% các tỉnh và thành phố Việt Nam giáp biển.
Đường ra bờ biển này dự kiến sẽ mang đến cho mỗi tỉnh nhiều lựa chọn hơn cho tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn như nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy du lịch trên biển hoặc tiếp cận cảng và thương mại biển, do đó thúc đẩy tăng trưởng của quốc gia nhanh hơn. Một trong những logic cơ bản ở đây là nếu một nhà đầu tư phải lựa chọn giữa hai tỉnh lân cận, họ sẽ chọn tỉnh có bến cảng để có thể xuất khẩu dễ dàng hơn”.
Coi trọng thành quả đô thị hóa cũng là cách mở rộng không gian phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà trong công cuộc hợp tỉnh quy mô toàn quốc lần này, vai trò các thành phố trực thuộc trung ương rất được coi trọng.
Trừ thành phố Hà Nội và thành phố Huế vẫn được giữ nguyên trạng, bốn thành phố thuộc diện phải sắp xếp như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ và thành phố Đà Nẵng đều vẫn giữ nguyên tên gọi và vị trí thủ phủ của mình sau hợp nhất với một hoặc hai tỉnh láng giềng. Có thể nói một trong những động lực “tạo đà phát triển” cho thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất là những thành tựu kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh Quảng Nam sau chia tách năm 1997 và nhất là thành tựu kinh tế, văn hóa-xã hội của thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương trong một phần tư thế kỷ qua.
Việc chọn Đà Nẵng làm trung tâm chính trị-hành chính sau hợp nhất không chỉ bởi Đà Nẵng từng là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng sau năm 1975 mà còn bởi sức hiệu triệu mang tính thương hiệu Đà Nẵng đã gầy dựng được trong suốt 25 năm “chia tỉnh chứ không chia tình”.
Chỉ sáu năm sau ngày chia tỉnh, Đà Nẵng đã được cấp có thẩm quyền công nhận đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách các đô thị loại I theo Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg ngày 15-7-2003 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với Hải Phòng vào tháng 5-2003.
Và cũng ngay trong năm này, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, qua đó định hướng đến năm 2020, phấn đấu “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước; phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”.
Đặc biệt trên cơ sở sở tổng kết 10 năm và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó định hướng đến năm 2030, phấn đấu “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học-công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên”; đến năm 2045, phấn đấu đưa “thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.
Đương nhiên những mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW mới chỉ là “đề bài” chứ chưa phải là “đáp số” và chính qua công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính lần này, khi không gian phát triển được mở rộng từ phía nam đèo Hải Vân đến chân Dốc Sỏi và cả tầm nhìn ra Biển Đông mênh mông trước mặt, hy vọng thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất sẽ sớm “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” một cách thực chất và xứng đáng, trước khi cùng cả nước kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-2045).
Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cũng là cách để thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất mở rộng không gian phát triển. Trước hợp nhất, xét về vận tải đường không, sân bay quốc tế Đà Nẵng được xem là sân bay quốc tế thứ ba của đất nước, sau sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đáng chú ý là Tổ chức đánh giá hàng không quốc tế Skytrax, một hãng tư vấn đóng trụ sở ở Vương quốc Anh, vừa công bố kết quả xếp hạng sân bay tốt nhất thế giới năm 2025, trong đó Đà Nẵng lần thứ 2 có mặt trong top 100 (năm 2024, Đà Nẵng xếp thứ 94, năm nay tăng 10 bậc); ngoài ra, Đà Nẵng còn được xếp hạng thứ 9 trong top 10 sân bay tốt nhất châu Á.
Ưu thế vượt trội này chắc chắn sẽ càng được nâng cao sau hợp nhất, khi sân bay Chu Lai cũng đang được kêu gọi đầu tư để tăng công suất lên 10 triệu hành khách và có thể đón được loại máy bay thân rộng như Boeing 747-8 hay Airbus A380 vào năm 2030.
Về vận tải đường biển, cảng Đà Nẵng đã chuyển mình thành cảng biển lớn nhất miền Trung và đang đóng vai trò là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây EWEC, cũng là mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết vùng. Rõ ràng sau khi “về chung một nhà tạo đà phát triển”, Đà Nẵng sau hợp nhất sẽ có lợi thế vượt trội khi cùng khai thác bốn cảng biển lớn là Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai và Liên Chiểu.
Năng lực hội nhập quốc tế của Đà Nẵng và Quảng Nam trước hợp nhất cũng từng bộc lộ khi được tham gia tổ chức các sự kiện ngoại giao quan trọng của đất nước, chẳng hạn khi Hà Nội trở thành nơi đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC 2006, thì cả Hội An và Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ ba (SOM III). Chính do hoàn thành tối trọng trách này nên một lần nữa Đà Nẵng được chọn và được giao giữ vị trí trung tâm khi Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Sau hợp nhất, với sức hấp dẫn từ Công viên APEC 2017 bên bờ sông Hàn và di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn 2023, cộng với sức hấp dẫn của hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An 1999 và khu đền tháp Mỹ Sơn 1999, của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm 2009, chắc chắn năng lực hội nhập quốc tế của Đà Nẵng sau hợp nhất sẽ được nâng lên ở một tầm cao mới.
Dưới góc nhìn mở rộng không gian phát triển của đất nước và quan sát từ thực tiễn của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trước khi “về chung một nhà tạo đà phát triển”, có thể nói sản phẩm của công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay ở nước ta, trong đó có thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương sau hợp nhất, sẽ đáp ứng được yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
BÙI VĂN TIẾNG
Nguồn: Báo Đà Nẵng