WHO tiến gần đến thỏa thuận ứng phó đại dịch tương lai

16 lượt xem - Đăng vào
Trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters

WHO tiến gần đến thỏa thuận ứng phó đại dịch tương lai

.

Sau 3 năm đàm phán, cuối tuần qua các thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đạt thỏa thuận về nguyên tắc cho hiệp ước quốc tế về công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai, góp phần củng cố sức mạnh hệ thống y tế toàn cầu.

Trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters
Trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters

Hiệp ước được kỳ vọng sẽ lấp lỗ hổng trong hệ thống y tế thế giới, ngăn chặn tái diễn tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin và phương pháp điều trị, cùng với những biện pháp giúp các nước phòng ngừa, ứng phó các đại dịch trong tương lai. France 24 dẫn lời bà Anne-Claire Amprou, đồng Chủ tịch cơ quan đàm phán liên chính phủ của WHO và là Đại sứ Pháp về y tế toàn cầu, cho biết, bước đột phá này diễn ra sau phiên thảo luận kéo dài gần 24 giờ. “Đây là tín hiệu rất tốt. Các bạn là một phần của khoảnh khắc lịch sử phi thường đang được tạo nên. Đây là món quà tuyệt vời dành cho con cháu chúng ta. Cộng đồng quốc tế đang tạo ra hệ thống mới để bảo vệ nhân loại tốt hơn”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi bước đột phá này trên mạng xã hội X cuối tuần qua. Tương tự, ông Michelle Childs, người đứng đầu bộ phận vận động chính sách tại Sáng kiến Thuốc cho các bệnh bị lãng quên (DNDi), nói với AFP rằng thỏa thuận sẽ tạo nền tảng quan trọng cứu sống con người trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong những năm đến.

Việc đạt đồng thuận bước đầu như vậy được đánh giá là bước đi quan trọng, giúp tiến tới hoàn tất thỏa thuận ứng phó đại dịch, kịp trình lên kỳ họp của Đại hội đồng Y tế thế giới dự kiến diễn ra vào tháng 5-2025. Dự kiến, đại diện các nước thành viên WHO sẽ tiếp tục gặp nhau tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 15-4 để hoàn thiện văn bản mang tính bước ngoặt này. Giới quan sát kỳ vọng, các nhà đàm phán sẽ nắm bắt cơ hội này nhằm khơi thông thế bế tắc, đưa thỏa thuận đến đích.

Các nguồn tin tiết lộ, một trong những điểm vướng mắc chính khi các đại biểu tiến gần đến thỏa thuận là về việc định nghĩa chuyển giao công nghệ để sản xuất các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch, đặc biệt để mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển. Các nước Mỹ Latinh cũng đang thúc đẩy việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển giao này. Một thực tế không thể phủ nhận là Covid-19 đã phơi bày rõ nét tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng về tiếp cận thuốc và dịch vụ y tế. Theo đó, tại nhiều nước giàu, nơi đặt trụ sở của hầu hết công ty dược phẩm lớn, xảy ra tình trạng dư thừa vắc-xin, trong khi các nước nghèo chỉ có thể tiếp cận nhỏ giọt. Một số quốc gia phương Tây, nơi có ngành dược phẩm phát triển mạnh, lại phản đối ý tưởng chuyển giao bắt buộc và nhấn mạnh rằng việc này phải dựa trên tinh thần tự nguyện.

Hiện nay, dịch bệnh vẫn là nỗi lo thường trực đối với công chúng toàn cầu với các dấu hiệu cảnh báo về rủi ro sức khỏe. Đáng chú ý là cúm gia cầm H5N1, loại virus tiếp tục lây nhiễm cho các loài mới, làm dấy lên lo ngại về khả năng lây truyền giữa người với người. Các rủi ro khác bao gồm dịch sởi bùng phát ở 58 quốc gia do tỷ lệ tiêm chủng thấp vì không tin tưởng vào vắc-xin do thông tin sai lệch, cùng với bệnh đậu mùa khỉ (mpox) lây lan ở châu Phi và mối đe dọa của “bệnh X” (loại virus tiềm ẩn tương tự như Covid-19). Tại phiên khai mạc cuộc họp thứ 13 của Cơ quan đàm phán liên chính phủ về thỏa thuận đại dịch của WHO gần đây, ông Tedros nhắc lại hậu quả khủng khiếp của Covid-19 khắp thế giới và nhấn mạnh: “Đại dịch tiếp theo có thể xảy ra trong 20 năm nữa hoặc xa hơn, thậm chí có thể xảy ra vào ngày mai…chúng ta phải sẵn sàng”. Cũng theo người đứng đầu WHO, sự xuất hiện của đại dịch mới “không phải là rủi ro về mặt lý thuyết, mà là điều chắc chắn về mặt dịch tễ học”, nhất là khi điều kiện bùng phát như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, xung đột xuất hiện ngày càng nhiều. Ông Tedros lưu ý, một đại dịch có thể gây ra nhiều thiệt hại về mặt xã hội và kinh tế hơn một cuộc xung đột, đồng thời bày tỏ quan ngại trước thực tế khoản đầu tư cần thiết cho an ninh y tế là không đáng kể so với số tiền mà các chính phủ chi cho quốc phòng.

Theo AFP, 194 quốc gia thành viên của WHO nhất trí khởi động quá trình đàm phán về hiệp ước vào tháng 12-2021, hai năm sau khi Covid-19 bùng phát, khiến hàng triệu người trên toàn cầu tử vong và làm cho kinh tế thế giới bị tác động nghiêm trọng. Đến tháng 2-2022, cuộc họp đầu tiên của cơ quan đàm phán liên chính phủ được tổ chức. Trong quá trình đàm phán kéo dài khoảng 3 năm qua, dù phần lớn văn bản dự thảo đã được nhất trí, nhưng vẫn còn bất đồng về một số điều khoản chính, như chia sẻ công bằng vắc-xin, phương pháp xét nghiệm và phương pháp điều trị. Thêm vào đó, Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất, không tham gia đàm phán trong năm nay sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1-2025 ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi WHO.

Với tình trạng biến đổi khí hậu và xung đột diễn biến nghiêm trọng như hiện nay, một đại dịch tương tự Covid-19 hoàn toàn có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào. Ðiều này càng thúc giục các nước cần nhanh chóng đạt được thỏa thuận chung để ứng phó hiệu quả hơn trước các cuộc khủng hoảng y tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, gánh nặng trên vai WHO càng lớn khi phải ứng phó cùng lúc nhiều tình huống y tế khẩn cấp, việc bảo đảm nguồn tài chính bền vững là nhân tố hàng đầu để giúp WHO tiếp tục đồng hành các nước trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân một cách bền vững.

THƯ LÊ 

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

một × 5 =