Wikipedia “lội ngược dòng”, ưu tiên con người hơn AI

5 lượt xem - Đăng vào
Lộ trình AI mới nhất của Wikipedia là theo đuổi cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, sử dụng AI để hỗ trợ (thay vì thay thế) cộng đồng biên tập viên tình nguyện toàn cầu của mình. Ảnh minh họa: Techi.com

Wikipedia “lội ngược dòng”, ưu tiên con người hơn AI

.

Trong khi nhiều nền tảng nội dung đẩy nhanh việc thay thế con người bằng trí tuệ nhân tạo (AI), bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí Wikipedia lại vừa công bố kế hoạch tích hợp AI vào quy trình biên tập, nhưng với một cam kết then chốt: không tự động tạo bài viết và luôn đặt con người ở vị trí trung tâm. Đây là bước đi cẩn trọng nhưng quyết đoán, khẳng định vai trò không thể thay thế của con người trong việc kiến tạo tri thức, nhất là khi không gian mạng đang ngập tràn thông tin do máy tạo ra.

Lộ trình AI mới nhất của Wikipedia là theo đuổi cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, sử dụng AI để hỗ trợ (thay vì thay thế) cộng đồng biên tập viên tình nguyện toàn cầu của mình. Ảnh minh họa: Techi.com
Lộ trình AI mới nhất của Wikipedia là theo đuổi cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, sử dụng AI để hỗ trợ (thay vì thay thế) cộng đồng biên tập viên tình nguyện toàn cầu của mình. Ảnh minh họa: Techi.com

Trong thời đại AI tạo sinh đang dần thay thế con người, Wikipedia lại chọn lối đi khác: triển khai chiến lược ba năm với trọng tâm là hỗ trợ, chứ không thay thế, đội ngũ biên tập viên tình nguyện trên toàn cầu.

Ưu tiên tính toàn vẹn nội dung

Khi AI có thể tạo ra hàng loạt nội dung trong vài phút, Quỹ Wikimedia (tổ chức phi lợi nhuận đứng sau Wikipedia và một loạt dự án mở khác) đã chọn một hướng đi táo bạo: đặt việc bảo vệ tính toàn vẹn thông tin lên hàng đầu, thay vì tập trung vào việc tạo mới. “Chúng tôi không đủ nguồn lực để cùng lúc hỗ trợ biên tập viên trong cả hai việc: tạo nội dung và bảo đảm tính chính xác”, trích nội dung trong chiến lược AI do Wikimedia công bố ngày 30-4.

Ông Chris Albon – Giám đốc Máy học và bà Leila Zia – Trưởng bộ phận Nghiên cứu của Wikimedia, viết trên blog rằng họ tin người dùng vẫn sẽ trân trọng “kiến thức chất lượng cao, có thể kiểm chứng được và tiếp tục tìm kiếm sự thật”.

Áp lực đang gia tăng với bách khoa thư trực tuyến mở này. Theo trang The Verge, lưu lượng truy cập từ bot AI đã khiến máy chủ Wikimedia quá tải, tiêu thụ băng thông tăng 50%. Trong khi đó, tốc độ xuất hiện thông tin mới vượt xa khả năng kiểm duyệt của cộng đồng tình nguyện.

Cho đến nay Wikipedia đã sử dụng AI cho nhiều mục đích như phát hiện phá hoại, dịch nội dung và dự đoán khả năng đọc hiểu nhưng chưa từng hỗ trợ AI trực tiếp cho biên tập viên, theo chuyên trang công nghệ The Verge. Việc chọn ưu tiên bảo vệ nội dung cho thấy tầm nhìn chiến lược của tổ chức này. Wikimedia thừa nhận: “AI tạo sinh giúp tạo nội dung dễ dàng hơn, nhưng việc xác minh lại càng trở nên tốn kém, và đó là rủi ro thực sự”.

AI sẽ không thay thế con người

Chiến lược AI mới của Wikipedia không nhắm đến việc thay thế con người, mà tập trung vào bốn mục tiêu cốt lõi: hỗ trợ kiểm duyệt, tiết kiệm thời gian cho biên tập viên, thúc đẩy chia sẻ kiến thức đa ngôn ngữ và giúp đỡ người dùng mới.

“Chúng tôi sẽ dùng AI để gỡ bỏ rào cản kỹ thuật, giúp con người – vốn là trung tâm của Wikipedia – tập trung vào điều họ muốn làm, thay vì loay hoay với cách thực hiện”, ông Chris Albon và bà Leila Zia khẳng định.

Khi được hỏi liệu AI có thay thế vai trò biên tập của con người hay không, họ đáp dứt khoát: “Chúng tôi sẽ không làm vậy”. Theo họ, chính cộng đồng tình nguyện viên là yếu tố tạo nên bản sắc và thành công độc đáo của Wikipedia.

Quan điểm này đi ngược xu hướng tự động hóa ở nhiều nền tảng nội dung hiện nay, nơi AI đang dần thay thế vai trò giám sát của con người, theo trang Maginative. Trang TechCrunch giải thích thêm rằng AI tại Wikipedia sẽ được dùng để tự động hóa các tác vụ lặp lại và tăng cường khả năng khám phá thông tin, từ đó mang lại thêm thời gian cho những cân nhắc sâu sắc của con người. Dù không có nguồn lực xây dựng mô hình AI riêng, Wikimedia cam kết sử dụng AI mã nguồn mở hoặc mô hình mở.

Toàn bộ kế hoạch triển khai chiến lược AI của Wikipedia sẽ dựa trên các nguyên tắc như “lấy con người làm trung tâm”, “tôn trọng quyền tự quyết” và “ưu tiên tính minh bạch”. Cây bút Sarah Perez trên trang TechCrunch cũng lưu ý rằng khi AI tạo sinh còn thường xuyên mắc lỗi và “ảo giác” trong câu trả lời, thì vai trò của tri thức do con người kiểm chứng ngày càng trở nên quan trọng.

Cuộc chiến chống lại “tin giả” thời AI
Wikipedia đang đối đầu với một nguy cơ mới: AI có thể tạo ra hàng nghìn bài viết giả mạo chỉ trong vài phút – những nội dung sai lệch khó phát hiện và dễ lan truyền. Ông Asaf Bartov, chuyên gia của Wikimedia, từng cảnh báo tại hội nghị CEE 2024 rằng AI tạo sinh đang trở thành công cụ nguy hiểm cho việc thao túng thông tin.
Đó là lý do Wikimedia chọn đầu tư vào các công cụ kiểm duyệt AI trước khi nghĩ đến chức năng tạo bài viết. “Chúng tôi đặt cược rằng con người vẫn sẽ muốn dựa vào con người để đánh giá kiến thức”, bản chiến lược của tổ chức Wikimedia nhấn mạnh.
Khi mạng internet ngày càng nhiễu loạn bởi nội dung được máy tạo ra với độ chính xác đáng ngờ, Wikipedia giữ vững niềm tin vào giá trị không thể thay thế của con người trong việc kiến tạo tri thức. Kết hợp giữa AI và sự phán đoán của con người, nền tảng này đang kiến tạo một tương lai nơi công nghệ là công cụ hỗ trợ, chứ không phải là cái thay thế, cho những nỗ lực biên tập vì lợi ích chung.

TRẦN ĐẮC LUÂN

 

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 − mười ba =