WTO gặp khó trước làn sóng bảo hộ

14 lượt xem - Đăng vào
Trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: AP

WTO gặp khó trước làn sóng bảo hộ

.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nơi được ví như “cảnh sát thương mại toàn cầu” đang gặp thách thức trong việc giải quyết tranh chấp thương mại trong bối cảnh làn sóng bảo hộ lan rộng.

Trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: AP
Trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: AP

Trong các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, WTO được xem là cơ chế tích cực nhất. Theo AFP, nhiều quốc gia đã nộp đơn khiếu nại lên WTO, cáo buộc mức thuế quan cao mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng đã vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Tuy nhiên, rất khó để WTO giải quyết, một phần do động thái của Washington dưới thời nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump đang làm suy yếu cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO khi ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán vào Cơ quan Phúc thẩm, cấp cao nhất trong hệ thống xử lý tranh chấp của tổ chức này.

Thực tế, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, nền tảng của quy định thương mại quốc tế, đang gặp khó trong nhiều năm qua. Không giống như các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quyền lực của WTO không được giao cho người đứng đầu hoặc hội đồng quản trị mà thay vào đó được quản lý theo sự đồng thuận của tất cả 166 quốc gia thành viên chiếm 98% thương mại toàn cầu.

Theo đó, WTO hoạt động dựa trên đồng thuận tuyệt đối, tức chỉ cần một nước phản đối là mọi đề xuất bị chặn. Do đó, việc Mỹ một mình ngăn cản cũng đủ để hệ thống phúc thẩm tê liệt. Tại cuộc họp gần nhất của WTO, chính quyền ông Trump tiếp tục bác bỏ đề xuất từ 130 quốc gia thành viên kêu gọi khôi phục cơ chế phúc thẩm và đây lần từ chối thứ 85 liên tiếp. Nếu không có hệ thống kháng cáo hoạt động, các quyết định của Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) cấp dưới của WTO sẽ bị “treo”, đồng nghĩa các quốc gia không thể chuyển sang bước tiếp theo là yêu cầu bồi thường khi đối mặt với biện pháp thuế quan bị coi là vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Các quốc gia có thể tiếp tục nộp đơn kháng cáo lên Cơ quan phúc thẩm nhưng bộ máy này cũng rơi vào trạng thái bất lực, khiến các vụ kiện bị đình trệ.

Theo WTO, quá trình kháng cáo hàng chục phán quyết đang bị bỏ lửng vì không có cơ quan nào xử tiếp. Trong số đó, có cả các vụ kiện do chính Mỹ khởi xướng. Trong khi đó, gần 30 thành viên WTO, bao gồm Liên minh châu Âu, đã lập ra hệ thống tạm thời thay thế để xử lý tranh chấp nhưng Mỹ cũng từ chối tham gia. Thời gian qua, Mỹ dường như không quan tâm đến các đề xuất cải cách WTO và không đưa ra đề xuất nào.

Những thách thức này khiến WTO gặp khó trong việc xử lý căng thẳng thương mại hiện nay. Cựu Giám đốc WTO Pascal Lamy cho biết, chính sách thuế quan của ông Trump khó có thể làm suy yếu hoàn toàn hệ thống thương mại toàn cầu. “Chỉ 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu bị ảnh hưởng bởi những quyết định thuế quan của ông Trump”, ông nói với AFP. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể thay thế Mỹ trở thành động lực của nền kinh tế thế giới.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, Bắc Kinh sẽ “tuân thủ đúng hướng toàn cầu hóa kinh tế, thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự và phấn đấu trở thành động lực cho sự ổn định và chắc chắn”, theo trích dẫn từ The Straits Times. Bắc Kinh đã kêu gọi tất cả các thành viên WTO rút ra bài học từ lịch sử, duy trì và bảo vệ quy tắc thương mại đa phương và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và hợp tác đa phương, Tân Hoa Xã đưa tin.

Bất chấp sự phức tạp, thách thức gần đây, không thể phủ nhận thực tế WTO vẫn là nền tảng có giá trị của hệ thống thương mại toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, theo nhận định của Viện kinh tế quốc tế Peterson (PIIE). Trong vài thập kỷ qua, WTO bảo đảm cho tất cả các nước thành viên tiếp cận thị trường có thể dự đoán được theo các quy tắc và hướng dẫn đã thiết lập. Những câu hỏi cơ bản về “chúng ta có thể bán sản phẩm của mình cho ai và ở đâu” định hình mọi quyết định khác mà các công ty đưa ra: tuyển dụng, đầu tư, vay nợ và chi phí nghiên cứu và phát triển…

Thông qua các vòng đàm phán liên tiếp diễn ra vào cuối thập niên 1940, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và sau đó là WTO đã đưa ra các quy tắc tiếp cận thị trường có thể dự đoán được dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử khi phần lớn các quốc gia đều có một mức thuế quan duy nhất cho tất cả quốc gia thành viên khác, được gọi là Quy chế tối huệ quốc (MFN) và Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT): hàng hóa nhập khẩu, dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài phải được đối xử không kém thuận lợi hơn so với hàng hóa cùng loại trong nước. Thông qua đàm phán WTO, các nền kinh tế đang phát triển có diễn đàn giải quyết thách thức chung và tìm kiếm các đối tác thương mại và cơ hội mới.

Có thể nói trước sức ép của sự tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu nói chung và của quốc gia thành viên WTO nói riêng đòi hỏi cần sớm hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích của mọi quốc gia thành viên.

THƯ LÊ

;
;
.
.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

18 + mười hai =