Xếp hạng cải cách hành chính: Xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch
Kết quả xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 khối quận, huyện của thành phố cho thấy nỗ lực mạnh mẽ từ cơ sở trong triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
![]() |
Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY |
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn cho biết, ngay từ đầu năm, sở ban hành văn bản hướng dẫn triển khai công tác đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC thành phố năm 2024, với nội dung giải trình theo bộ chỉ số được thực hiện trực tuyến, đảm bảo khách quan, minh bạch. Đáng chú ý, sau nhiều năm tụt hạng, quận Thanh Khê vươn lên dẫn đầu. Quận Liên Chiểu giữ vị trí thứ hai; các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đồng hạng ba; tiếp đến là huyện Hòa Vang và quận Hải Châu ở vị trí thứ tư, quận Cẩm Lệ đứng thứ năm. Năm 2024, khối cơ quan Trung ương và sở, ban, ngành không thực hiện đánh giá.
Để tăng thứ hạng, UBND quận Thanh Khê triển khai đồng bộ các tiêu chí cải cách, tập trung khắc phục những hạn chế trong kỳ đánh giá trước. Nhiều mô hình tuyên truyền như hội thi “Thanh niên sáng tạo trong CCHC”, bộ mã QR liên kết thủ tục hành chính (TTHC), hay sổ tay “Thông tin chuyển đổi số”… được triển khai hiệu quả. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến bình quân tại quận và phường đạt hơn 90%, thể hiện sự chuyển mình rõ nét trong ứng dụng công nghệ vào công tác hành chính.
Trưởng phòng Nội vụ quận Thanh Khê Trương Thanh Toàn chia sẻ: “Quận nâng cấp phần mềm quản lý thuế phi nông nghiệp, đẩy mạnh chứng thực bản sao điện tử, xây dựng hệ thống câu hỏi giải đáp trực tuyến, đồng thời thúc đẩy người dân tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt”. Việc công khai, minh bạch tiến độ giải quyết TTHC qua cổng thông tin điện tử cũng giúp người dân, doanh nghiệp giám sát quá trình xử lý hồ sơ và tăng tính trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính.
Tại quận Liên Chiểu, công tác CCHC được chỉ đạo quyết liệt từ quận đến cơ sở. UBND quận tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, khát vọng và sáng tạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và khuyến khích đổi mới vì lợi ích chung. Hai giải pháp tiêu biểu mang lại hiệu quả rõ rệt là phần mềm “Tiếp nhận và trả kết quả tuyển dụng trực tuyến” và “Xếp hàng, hẹn giờ giao dịch thông minh sử dụng mã QR”. Cả hai đều gắn với khảo sát mức độ hài lòng, giúp tăng chất lượng phục vụ và giảm thời gian chờ đợi. Đặc biệt, công tác số hóa TTHC được quan tâm, tỷ lệ hồ sơ TTHC đã số hóa của quận đạt hơn 99%.
Sau hai năm liền giữ vị trí đầu bảng, năm 2024 quận Sơn Trà lùi xuống hạng ba. Dù vậy, địa phương này vẫn đạt mức hoàn thành nhiệm vụ do UBND thành phố giao, với tỷ lệ 99,3%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 174,3% dự toán, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95%, số hóa hồ sơ TTHC đạt 99,7% tại quận và 100% tại phường.
Cùng hạng ba, quận Ngũ Hành Sơn có bước cải thiện rõ rệt thông qua việc rà soát, khắc phục các tồn tại trong công tác CCHC. Quận tổ chức hội nghị chuyên đề về CCHC và chuyển đổi số, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan và cán bộ phụ trách. Một số sáng kiến nổi bật gồm hệ thống Smart Kiosk tại bộ phận “Một cửa”, tra cứu TTHC bằng mã QR đến từng khu dân cư, tổ dân phố… giúp người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các thủ tục. Trưởng phòng Nội vụ quận Phạm Thị Lệ Thủy cho biết, tỷ lệ số hóa kết quả TTHC tại UBND quận, phường đều đạt 100%. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả phục vụ và cải thiện niềm tin của người dân với chính quyền.
Ông Trần Trung Sơn nhấn mạnh, năm 2024, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch CCHC gắn với thực hiện chủ đề năm, đề cao vai trò người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ. Chuyển đổi số và CCHC đang dần trở thành phương thức vận hành chủ đạo của chính quyền hiện đại. Thành phố không chỉ tin học hóa các thủ tục mà còn tái cấu trúc toàn diện quy trình, thiết kế lại các dịch vụ công theo hướng “lấy người dân làm trung tâm”.
Hệ thống dữ liệu dùng chung đang được phát triển, kết nối liên thông từ thành phố đến cơ sở, tạo điều kiện cho công tác chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân tốt hơn. Minh bạch trong giải quyết TTHC tiếp tục được chú trọng. Các địa phương công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên các nền tảng số, từ cổng thông tin điện tử đến bảng điện tử tại bộ phận “Một cửa”.
Điều này giúp tăng tính giám sát xã hội, đồng thời nâng cao tính giải trình và hiệu lực quản lý của chính quyền. Một điểm sáng đáng ghi nhận là mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Việc khảo sát mức độ hài lòng được thực hiện thường xuyên, giúp cơ quan hành chính điều chỉnh kịp thời các tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong thời gian tới, thành phố đặt mục tiêu: hoàn thiện nền tảng tích hợp dữ liệu dùng chung, nâng cao năng lực phân tích dữ liệu phục vụ điều hành; chuẩn hóa và số hóa 100% quy trình TTHC, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, y tế, giáo dục; phát triển các công cụ hỗ trợ tương tác đa kênh giữa người dân và chính quyền như chatbot, app chính quyền số, tổng đài AI; đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu chính quyền số hiện đại, hiệu quả.
Với quyết tâm đổi mới và sáng tạo từ các địa phương, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, Đà Nẵng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ – hiện đại – minh bạch-hiệu quả, tiến tới hình ảnh một chính quyền số năng động, thân thiện và tiên phong trong cả nước.
TRỌNG HUY
Nguồn: Báo Đà Nẵng
- Nỗ lực cạnh tranh suất lên tuyển quốc gia
- Đà Nẵng công nhận FPT và Marvell Việt Nam là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo
- Giữ cho biển Đà Nẵng an toàn, văn minh
- Lãnh đạo thành phố gặp mặt, chúc Tết các cơ quan, đơn vị
- Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ